Câu chuyện về beat nhạc lại được đào xới khi MV Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng M-TP bị gỡ vào tối 23-2
Nếu thập niên 1950 từng có một thế hệ Beat trong văn chương chủ trương một đời sống ly khai khỏi xã hội chính quy, thì ngày nay ta có thể mượn cụm từ đó để mô tả một nhóm những người thực hành âm nhạc mới nổi lên nhờ nền tảng Internet: những người sản xuất beat nhạc.
Sự việc MV Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng M-TP biến mất gần một ngày (từ tối 22-2 đến tối 23-2) vì bị cáo buộc sử dụng beat trái phép từ nhà sản xuất GC là một đầu đề thú vị để chúng ta tìm hiểu về "thế hệ Beat" của âm nhạc.
Trích MV Chúng ta của hiện tại - Nguồn: Sơn Tùng M-TP
Bởi tuy đây không phải lần đầu tiên có những nghi vấn Sơn Tùng đạo nhạc nhưng những lần trước liên quan đến những tên tuổi lớn như Charlie Puth, BTS, Jung Yong Hwa, hoặc nếu không cũng là những nhóm nhạc chính thống. Còn lần này, lời cáo buộc lại đến từ một nhà sản xuất chỉ chuyên bán beat trên mạng.
1. Cái thời mà người được in mặt trên bìa đĩa nhạc thực sự là chủ nhân của đĩa nhạc đã đi qua rất xa. Ngày nay thì chưa chắc.
Đằng sau một sản phẩm đôi khi có những nhân vật bí ẩn không được coi là thành viên chính thức của ngành âm nhạc. Thậm chí, khi ca khúc được phát hành chán chê rồi, vị đồng sáng tác ấy mới hay sự tồn tại của nó.
Siêu hit Old Town Road
Bạn có biết bản siêu hit Old Town Road là của ai không? Tất nhiên, Lil Nas X. Nhưng bạn có biết Lil Nas X phải chia đôi khoản doanh thu có được từ ca khúc ấy cho ai không?
Câu trả lời là YoungKio - người sáng tác bản beat gốc mà Lil Nas X đã bỏ ra chỉ vỏn vẹn 30 USD để mua về qua một "chợ âm nhạc" trực tuyến mang tên BeatStars.
YoungKio nói mãi đến lúc một người gửi cho anh tấm ảnh Lil Nas X nhảy điệu cao bồi thì anh mới biết đứa con tinh thần của mình đã đi về đâu.
YoungKio là một trong số 500.000 những nhà sản xuất âm nhạc rao bán beat trên BeatStars. Beat bày ra la liệt như thể quần áo, mỹ phẩm và đồ gia dụng. Nghĩ kỹ hơn, đó thực sự là một cuộc cách mạng!
Trong quá khứ, bán beat là đặc quyền của những nhà sản xuất chính quy làm việc cho những hãng ghi âm chuyên nghiệp. Một bản beat có thể có giá lên tới hàng trăm ngàn USD.
Nghĩa là, nếu bạn chẳng may muốn làm ca sĩ mà không có vốn, bạn buộc phải ký hợp đồng với một công ty ghi âm. Chỉ trong thời đại "phổ cập" beat, ta mới có những ngôi sao chẳng hiểu từ đâu ra như Lil Nas X.
Nhưng không chỉ những kẻ "tay không bắt giặc" như Lil Nas X mới chọn mua beat trên mạng. Quái kiệt nhạc rap Kanye West đã mua một đoạn beat giá 200 USD để dùng cho album The life of Pablo.
Kanye West trong The life of Pablo.
Chris Brown, Future, Lil Pump cũng dùng beat của những tên tuổi vô danh cho những bản hit lọt Billboard hay được chứng nhận đĩa bạch kim.
"Tôi sẽ không bất ngờ nếu như một nửa số album hiphop ngoài kia có phần sản xuất lấy từ khu chợ của tôi" - nhà sáng lập BeatStars tự tin chia sẻ.
2. Thị trường beat đem lại cho âm nhạc vẻ đẹp của sự bình đẳng, song nó lại lấy đi vẻ đẹp của sự duy nhất. Đôi khi một bản beat được bán cho nhiều người và sẽ có một lô nhạc phẩm xài chung bản beat ấy.
Chưa kể, người làm beat không thể kiểm soát người mua sẽ làm gì với nó. Âm nhạc tựa như một cái máy xay sinh tố. Người bán không biết cái máy xay sẽ được đặt trong ngôi nhà khang trang hay bừa bộn.
Tuy nhiên, bất kể là thị trường beat đã thay đổi ngành âm nhạc theo hướng tốt hơn hay xấu đi thì tóm lại nó cũng đã thay đổi toàn bộ hệ thống âm nhạc do các tập đoàn thao túng.
Tiểu thuyết gia Jack Kerouac từng định nghĩa về thế hệ Beat văn chương: "Cái được gọi là thế hệ Beat là một đám người, đủ mọi quốc tịch khác nhau, những người đi đến kết luận rằng xã hội thật vớ vẩn".
Câu trên chỉ cần thay từ "xã hội" thành "hệ thống nền công nghiệp âm nhạc" cũng có thể coi là một định nghĩa về "thế hệ Beat" hiện tại.
TTO - Shout! vừa ra mắt độc giả Việt Nam trong sự đón nhận hào hứng của những bạn đọc hâm mộ ban nhạc The Beatles. Hiền Trang đã chuyển ngữ cuốn sách 700 trang ấn bản tiếng Việt này trong niềm say mê vì lòng mến mộ tứ quái.