vĐồng tin tức tài chính 365

Thấy gì khi nhìn sâu vào lợi nhuận của Vietjet Air?

2021-02-28 12:18

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Vietjet đã có một năm 2019 khó khăn - thể hiện qua các tỉ lệ sinh lời đều giảm đáng kể so với năm trước. Đặc biệt, 2019 cũng là năm đầu tiên trong nhiều năm hoạt động Vietjet bị âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet Air, HOSE:VJC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2020 (chưa kiểm toán).

Trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu lao đao vì dịch bệnh COVID-19, việc Vietjet báo lãi sau thuế quý IV lên tới 994,67 tỉ đồng đã thu hút sự chú ý không nhỏ từ dư luận.

Hoạt động kinh doanh chính giảm 68%

Quý IV/2020, Vietjet ghi nhận hơn 4.429 tỉ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 68,1% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, doanh thu từ vận chuyển hành khách chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ, đạt 1.097 tỉ đồng. Các nguồn thu khác từ hoạt động phụ trợ (1.727 tỉ đồng), chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay (1.219 tỉ) và doanh thu khác (386 tỉ) đều giảm mạnh so với quý IV/2019.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp quý IV của Vietjet đạt hơn 494 tỉ đồng - giảm 62,7% so với 1.324,7 tỉ đồng cùng kỳ 2019.

Trong kỳ, Vietjet ghi nhận 104,3 tỉ đồng doanh thu tài chính, giảm 11,3% so với 117,62 tỉ đồng của quý IV/2019.

Trừ đi các chi phí bán hàng, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, Vietjet báo lãi thuần quý IV đạt 261,71 tỉ đồng, lao dốc tới 67,2% so với 797,95 tỉ đồng của quý IV/2019.

Thế nhưng, lãi trước thuế của Vietjet trong quý IV lại tăng trưởng 24,94% so với cùng kỳ 2019, đạt hơn 1.005 tỉ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, người dân trong nước hạn chế đi lại, các đường bay quốc tế chưa được mở lại, con số hơn 1.005 tỉ đồng lãi trước thuế quý IV/2020 mà Vietjet công bố khiến dư luận đặc biệt chú ý.

Sở dĩ Vietjet có tăng trưởng lợi nhuận đến ngạc nhiên trong bối cảnh đại dịch như vậy là nhờ “Thu nhập khác”.

Quý IV/2020, Vietjet ghi nhận 745,37 tỉ đồng Thu nhập khác - gấp 108,2 lần so với cùng kỳ 2019. Sau khi trừ đi 1,45 tỉ đồng “Chi phí khác” thì “Lợi nhuận khác” mà VietJet ghi nhận trong kỳ là 743,92 tỉ đồng.

Kết quả, lãi sau thuế quý IV/2020 của Vietjet đạt 994,67 tỉ đồng, tăng trưởng 84,6% so với cùng kỳ 2019.

Hiện, báo cáo tài chính quý IV/2020 chưa kiểm toán của Vietjet không thuyết minh chi tiết về nguồn “Thu nhập khác” đã đề cập ở trên.

Từng gây “sửng sốt” vì lợi nhuận quý II/2020 bùng nổ giữa đỉnh dịch

Trước đó, vào quý II/2020, Vietjet cũng bất ngờ công bố lãi sau thuế hợp nhất đạt 1.063 tỉ đồng, tăng trưởng 71% so với cùng kỳ 2019 khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng.

Bởi lẽ, quý II/2020 là giai đoạn cả nước chống chọi với đại dịch COVID-19 căng thẳng nhất, toàn xã hội phải thực hiện giãn cách trong 15 ngày từ 0h ngày 1.4.2020.

Theo báo cáo của VNDirect, trong quý II/2020, tổng số chuyến bay của Vietjet giảm 60,8% so với cùng kỳ xuống còn 13.792 chuyến. Tất cả đều là các chuyến bay nội địa với doanh thu thấp hơn so với chuyến bay quốc tế, dẫn đến doanh thu vận tải giảm 91,2% so với cùng kỳ và doanh thu phụ trợ giảm 66,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ doanh thu chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay (S&LB) tăng 17,5% so với cùng kỳ, tổng doanh thu quý II/2020 của Vietjet chỉ giảm 60,8% so với cùng kỳ 2019, đạt 4.970 tỉ đồng.

Theo VNDirect, cũng trong quý II/2020, với lợi nhuận gộp 2.005 tỉ đồng từ hoạt động S&LB, biên lợi nhuận gộp của hoạt động này đạt mức 63,3%, cao hơn 61,4 điểm phần trăm so với năm 2019. Điều này đã giúp lỗ gộp quý II/2020 của VietJet giảm xuống còn 109 tỉ đồng.

Lợi nhuận từ S&LB của các hãng hàng không luôn là chủ đề gây tranh cãi trong giới đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, bản chất hoạt động S&LB không tạo ra dòng tiền mà chỉ là lợi nhuận trên sổ sách.

Ngoài ra, thu nhập tài chính ròng của Vietjet tăng lên 1.030 tỉ đồng trong quý II/2020 chủ yếu do khoản hoàn nhập dự phòng cho khoản đầu tư vào PV Oil đạt 690 tỉ đồng và các khoản thu nhập tài chính khác đạt 598 tỉ đồng. Khoản thu nhập này giúp Vietjet đạt mức lợi nhuận ròng 1.063 tỉ đồng trong quý II/2020.

Tài chính suy giảm trước khi COVID-19 bùng phát

Lũy kế cả năm 2020, Vietjet ghi nhận 18.209 tỉ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 64% so với 50.602 tỉ đồng của năm 2019. Lợi nhuận gộp là âm 1.573 tỉ đồng trong khi con số này năm 2019 là 5.622 tỉ đồng.

Mặc dù doanh thu tài chính năm 2020 tăng 32,2% so với 2019, đạt 1.032,5 tỉ đồng nhưng sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietjet vẫn âm 2.395 tỉ đồng trong khi năm trước đạt 3.847 tỉ.

“Cứu tinh” giúp Vietjet báo lãi sau thuế hơn 70 tỉ đồng trong năm 2020 chính là “Thu nhập khác” 2.528 tỉ đồng, gấp 3 lần so với 721 tỉ năm 2019. Lợi nhuận khác năm 2020 đạt 2.518 tỉ.

Mặc dù báo lãi nhưng Vietjet phải gánh áp lực tài chính không nhỏ khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2020 âm 4.897 tỉ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành hàng không trên toàn cầu do những tác động tiêu cực của COVID-19, việc doanh nghiệp phải chịu áp lực thanh khoản cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, với Vietjet, áp lực này đã xuất hiện trước khi đại dịch bùng phát.

Theo Công ty chứng khoán MiraeAsset Việt Nam: “Trước khi có dịch COVID-19, Vietjet đã có 1 năm khó khăn hơn do vấp phải sự cạnh tranh từ Bamboo Airways (hoạt động theo mô hình hybrid). Các tỉ lệ sinh lời đều giảm đáng kể so với năm trước trong khi tỉ lệ chi phí trên doanh thu lại tăng nhẹ. Vòng quay tài sản cũng tăng đáng kể, từ 67 ngày lên 98 ngày, cho thấy có sự khó khăn nhất định trong việc bán vé trước bối cảnh cạnh tranh. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng là năm đầu tiên trong nhiều năm hoạt động VJC bị âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (-2.026 tỉ đồng - PV)”.

Xem thêm: odl.591488-ria-tejteiv-auc-nauhn-iol-oav-uas-nihn-ihk-ig-yaht/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thấy gì khi nhìn sâu vào lợi nhuận của Vietjet Air?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools