Sau nhiều cuộc giao tranh đẫm máu tại khu vực biên giới tranh chấp, Ấn Độ và Trung Quốc đang tiến hành rút quân khỏi các điểm nóng nằm dọc đường Kiểm soát Thực tế (LAC), động thái khiến một số quan chức New Delhi lo lắng.
Hãng tin Bloomberg cho hay binh sĩ của cả hai quốc gia hiện sẽ không còn tuần tra ở khu vực dài chín km ở hồ Pangong Tso, phía tây Himalaya, nơi quân đội hai nước đã đụng độ vào năm ngoái.
Các chỉ huy quân sự hai bên đã đồng ý rút binh lính, xe tăng, pháo binh ra khỏi khu vực trong cuộc đối thoại gần đây và đã gặp nhau vào hôm 20-2 để kiểm tra việc rút quân.
Theo đó, thỏa thuận sẽ dẫn đến việc Ấn Độ rút lui khỏi khu vực nằm ở vùng Ladakh của nước này, tiếp giáp với cao nguyên Aksai Chin hiện do Trung Quốc kiểm soát.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ ở thung lũng Galwan, thuộc dãy núi Karakoram trên dãy Himalaya vào tháng 6-2020. Ảnh: AFP
Trong khi việc rút quân đã một phần làm dịu căng thẳng giữa hai nước, một số quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ tin rằng việc hình thành các khu vực phi quân sự hóa sẽ có lợi cho Bắc Kinh nhiều hơn.
Những quan chức này cho biết phía Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngờ khi phản đối đề xuất của Ấn Độ cho rằng cả hai nước nên luân phiên tuần tra khu vực xung quanh hồ, với lý do sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền của Bắc Kinh.
Hiện phía lực lượng quân đội, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ nước vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề trên, theo Bloomberg.
Một chuyên gia quân sự Ấn Độ tên Sushant Singh cho rằng việc lực lượng quân đội hai nước thiếu sự tin tưởng lẫn nhau có thể dẫn đến thêm nhiều hiểu lầm.
“Nếu các khu vực phi quân sự vẫn giữ được hòa bình, chúng có thể trở thành hình mẫu cho cách Ấn Độ và Trung Quốc đối phó với vấn đề tranh chấp biên giới, như giữa Mỹ và Mexico. Tuy vậy, sự cạnh tranh giữa cả hai vẫn còn” - ông Singh nhận định.
Binh sĩ Ấn Độ đứng gần đèo Zojila, giáp Trung Quốc, vào tháng 11-2020. Ảnh: AFP
Hiện tại, binh lính của hai nước vẫn còn đóng quân ở nhiều vùng biên giới chưa được phân định. Hồi tháng 6-2020, cuộc đụng độ xảy ra tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng đã khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang trở lại.
Phía chính quyền Trung Quốc đã chọn giữ kín thông tin về mức độ thương vong và mới chỉ công bố hồi tuần trước rằng có bốn binh lính thiệt mạng trong vụ đụng độ vào tháng 6-2020.
Trước đó, hôm 26-2 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tiết lộ tình hình ở khu vực biên giới tranh chấp "đã dịu đi đáng kể" sau khi hai bên đồng ý rút quân, Bloomberg đưa tin.
"Cả hai bên nên trân trọng và ăn mừng trước thành công của một thỏa thuận trong quãng thời gian khó khăn này và củng cố các kết quả hiện có, duy trì động lực và tiếp tục tìm cách xoa dịu tình hình hơn nữa" - ông Uông tuyên bố.