Người lao động nghỉ việc nhiều hơn sau tết vì du lịch khó 'rã băng'
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Sau ba đợt bùng phát dịch Covid-19, số lượng nhân viên du lịch bị mất việc ngày càng nhiều hơn. Doanh nghiệp lo lắng trước viễn cảnh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nguồn nhân lực để tái khởi động sau dịch nhưng gần như không thể đưa ra biện pháp giữ người hữu hiệu.
Du khách nước ngoài nghe hướng dẫn cách trồng rau tại Làng rau Trà Quế hồi trước dịch Covid-19. Ảnh: Đào Loan |
Nghỉ tết xong là nghỉ việc
Sau kỳ nghỉ tết Tân Sửu, Tr. T. M. N, nhân viên của một công ty lữ hành quốc tế tại TPHCM vào công ty để hoàn tất thủ tục nghỉ thai sản nhưng thực tế là chuẩn bị luôn các thủ tục để nghỉ việc sau đó.
"Cỡ giữa tháng 8 tới là tôi có thể đi làm lại nhưng sếp nói đến thời điểm đó công ty cũng khó có khách lại nên tôi quyết định nghỉ luôn", N nói.
Công ty của N chuyên tour cho khách quốc tế từ các thị trường xa như Mỹ và châu Âu. Số lượng nhân viên đã giảm hơn 70% sau một năm không có khách du lịch. N phụ trách thị trường Tây Ban Nha, thuộc nhóm ngôn ngữ hiếm nên được giữ lại với mức lương cơ bản.
"Ông xã tôi cũng làm du lịch nên cũng không có thu nhập đáng kể trong một năm qua. Chi tiêu trong nhà phải lấy từ tiền dành dụm. Vài bữa nữa, anh ấy cũng sẽ nghỉ việc để phụ giúp tôi và tính toán mở gì đó cho hai vợ chồng cùng làm sau này", N nói.
Theo Tổng cục Du lịch, phần lớn doanh nghiệp lữ hành đã phải tạm ngưng hoạt động sau một năm bị Covid-19 làm suy giảm lượng khách. Với những doanh nghiệp còn có thể duy trì hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn thì cũng chỉ có thể bố trí được khoảng 30% nhân sự làm việc. Ở mảng lưu trú, có đến 1/5 số khách sạn trên cả nước phải đóng cửa và 1/3 hoạt động cầm chừng.
Doanh nghiệp khó khăn khiến số lượng nhân viên còn giữ được việc như trường hợp N là hiếm nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Nhiều doanh nhân cho biết, có thể phải đối mặt với tình trạng nhân viên nghỉ việc nhiều hơn sau tết Nguyên Đán.
"Trước tết, khoảng 80% khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Bình Thuận đã mở cửa lại để đón khách nhưng hiện nhiều nơi lại phải đóng cửa trở lại vì việc kinh doanh trong mùa tết không khả quan do bùng dịch và sắp tới lại là mùa vắng khách nội địa, kéo theo nhiều nhân viên bị ngưng việc", ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận nói.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng cho biết thông tin tương tự. Nhiều nhân viên khách sạn hiện không có việc làm, nhân viên lữ hành cũng vậy, số lượng mất việc ngày càng nhiều. Đặc biệt, sau đợt hủy tour tết vừa qua, nhiều công ty vẫn chưa thể khởi động lại nên người lao động phải tìm nghề khác để mưu sinh.
"Nhiều người nghỉ việc, không chỉ vì công ty cho nghỉ mà do người lao động quyết định chuyển nghề vì thời gian không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp đã quá dài", bà nói.
Áp lực cho tái khởi động
Trao đổi với TBKTSG Online, nhiều doanh nhân tiếp tục đề cập đến những khó khăn mà du lịch phải đối mặt khi khởi động trở lại sau khi Covid-19 được kiểm soát, trong đó có khó khăn về nguồn nhân lực.
Theo bà Khánh, hiện rất khó để tính toán chính xác số lượng nhân viên du lịch còn lại vì số lượng về doanh nghiệp du lịch đã thay đổi trong dịch. Tuy nhiên, có thể nói là ngành du lịch đang đối diện với mất mát lớn về nguồn nhân lực sau nhiều năm đào tạo và xây dựng đội ngũ lao động giỏi nghề.
"Có ý kiến cho rằng, sau này, doanh nghiệp có thể kéo người lao động trở lại bằng các đãi ngộ tốt nhưng không đơn giản như thế", bà nói và cho rằng, việc phải tăng quỹ lương để thu hút và đào tạo lại nguồn nhân lực sẽ là áp lực cho doanh nghiệp tái khởi động sau dịch.
Theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, quá trình tái khởi động của ngành du lịch có thể chậm hơn vì thiếu nhân viên giỏi nghề, những người có thể làm việc ngay khi du khách quay trở lại.
"Doanh nghiệp đã quá khó khăn nên muốn khởi động ngay khi được đón khách trở lại nhưng lại phải tốn thời gian và chi phí cho nguồn nhân lực. Khó sẽ chồng khó", ông nói.
Hồi trước dịch, chỉ riêng bộ phận điều hành dịch vụ điểm đến của HG Holdings đã có 160 nhân viên trong nước và nước ngoài, nay chỉ còn 20 người. Những người nghỉ việc hiện đã tìm việc làm ở nhiều ngành khác.
"Nhiều người cũng muốn làm du lịch lại nhưng có thể sau này chúng tôi phải chờ vì họ cần thời gian để sắp xếp công việc đang làm. Cái khó hiện tại là thị trường khó dự báo nên không thể chuẩn bị được gì", ông nói.
Một số doanh nhân lo ngại về khả năng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động như đã từng xảy ra ở những đợt khủng hoảng suy giảm khách trước đây.
"Có thể, các công ty du lịch lại lâm vào tình trạng công ty này lấy người của công ty kia khi mở cửa trở lại", bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Asian Trails Co., LTD nói.
Asian Trails là một trong những công ty lữ hành quốc tế hiếm hoi còn giữ được đa số nhân viên. Dù rất khó khăn để có thể trả lương cho nhân viên trong điều kiện nguồn thu gần như không có trong năm qua vừa qua nhưng công ty vẫn phải xoay xở vì tính đến chuyện trở lại sớm sau dịch.
"Chúng tôi muốn tránh việc phải lao vào cuộc cạnh tranh tìm người làm việc sau dịch", bà nói nhưng cũng lưu ý rằng, đó chỉ là tính toán trong hiện tại và tương lai gần sắp tới. Trong trường hợp dịch kéo dài hơn, kéo dài hàng năm nữa thì chưa biết phải liệu như thế nào.
Bà Khánh của Hiệp hội Du lịch TPHCM cho rằng, những cách để người lao động có thể đi làm như giảm giờ làm, trả lương tượng trưng, lương cơ bản... mà nhiều công ty đang áp dụng trong thời gian qua không đủ để giữ nguồn nhân lực mà cần những chính sách lớn từ nhà nước.
"Chúng tôi vừa kiến nghị nhiều chính sách, trong đó có những chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... Hy vọng sẽ sớm có những chính sách thiết thực để du lịch giữ người", bà nói.
Mời đọc thêm:
Covid-19 mang đến cơ hội trỗi dậy cho nhà điều hành tour Việt Nam
Tour cho khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục hủy đến quí 2-2021
Khánh Hòa tính chuyện bảo vệ du khách trước rủi ro hủy, hoãn dịch vụ
Xem thêm: lmth.gnab-ar-ohk-hcil-ud-iv-tet-uas-noh-ueihn-ceiv-ihgn-gnod-oal-iougn/060413/nv.semitnogiaseht.www