vĐồng tin tức tài chính 365

Vắc xin phòng COVID-19 có ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư?

2021-02-28 19:50

Lo tác dụng phụ của vắc xin

Cho đến nay, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng phương pháp 5K đã được Bộ Y tế khuyến cáo, ngày 24/2/2021 lô vắc xin  COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam. Bộ Y tế đã công bố 11 nhóm đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên trong bối cảnh nguồn cung cấp vắc xin hạn chế.

Nhiều người bệnh ung thư quan tâm, lo lắng đến nguy cơ mắc COVID-19, việc chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 trên bệnh nhân ung thư như thế nào, liệu tiêm vắc xin trong khi đang điều trị với các thuốc hóa chất, nội tiết, thuốc điều trị, thuốc miễn dịch có đem lại kết quả phòng bệnh COVID-19 không, và liệu tiêm vắc xin có ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư hay không…?

Ông Ngô Trí T. (Cầu Giấy, Hà Nội) là trường hợp điển hình. Vốn bị ung thư tiền liệt tuyến đã cắt thuỳ tinh hoàn 6 tháng trước. Hiện ông đang phải tiêm hocmon điều trị. Không những thế ông còn bị huyết áp cao phải uống thuốc hàng ngày 8 năm nay.

Những ngày dịch bệnh bùng phát, cả nhà lo lắng cho sức khoẻ của ông. Việc đến viện khám, lấy thuốc định kỳ cũng được hạn chế. Nếu có phải đến viện ông cũng tự trang bị bảo hộ kỹ càng tránh tiếp xúc.

Khi nghe thông tin có vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam, theo quy định ông thuộc nhóm được ưu tiên tiêm trước (mắc bệnh mãn tính). Tuy nhiên, vốn đang điều trị phác đồ của bệnh nhân K tuyến tiền liệt nên ông lại chần chừ không muốn đi tiêm.

Ông sợ hiện hàng ngày đã uống quá nhiều thuốc giờ tiêm thêm vắc xin với sức khoẻ của mình như hiện nay dễ xảy ra phản ứng phụ, cơ thể không trụ được.

Chủ tịch Hội đồng quản lý BV K TS. BS Nguyễn Tiến Quang 

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện K cho biết, vắc xin Astrazeneca - chủng ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Vắc xin giúp hệ miễn dịch của người được được tiêm chủng có khả năng nhận biết và tiêu diệt virus corona (SARS-COV-2). Vắc xin chứa một loại virus gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gen.

Công nghệ “virus biến đổi” được sử dụng để tạo ra loại vắc xin này đã từng được thử nghiệm và ứng dụng thành công trong việc tạo ra vắc xin cho các bệnh lý khác.

“Vắc xin AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 62%-90%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng và an toàn trên dân số chung. Cho đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy vắc xin COVID-19 không hiệu quả và thiếu an toàn trên bệnh nhân ung thư”, TS.BS Nguyễn Tiến Quang cho hay.

Theo TS.BS Nguyễn Tiến Quang, bệnh nhân ung thư hệ thống miễn dịch cơ thể suy giảm, tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ kém hơn do ảnh hưởng của bệnh ung thư và các phương pháp điều trị tích cực bệnh ung thư.

Do vậy bệnh nhân ung thư cũng như các bệnh nhân có các bệnh lý nền khác, nằm trong nhóm khuyến cáo tiêm phòng COVID-19. Các chuyên gia đưa ra giả thuyết hiệu quả của vắc xin COVID-19 có thể giảm ở bệnh nhân đang bị ức chế/suy giảm miễn dịch, nhưng nếu được tiêm vắc xin có thể làm giảm nhẹ triệu chứng hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu mắc COVID-19.

Người đang điều trị ung thư có nên tiêm vắc xin phòng COVID-19

Trả lời băn khoăn của ông T., cũng như nhiều bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng thuốc, xạ trị, phẫu thuật - có nên tiêm phòng vắc xin COVID-19 không, TS.BS Nguyễn Tiến Quang cho rằng, bệnh nhân ung thư đang điều trị có thể được tiêm vắc xin Covid-19 miễn người bệnh không có chống chỉ định hay dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.

TS.BS Nguyễn Tiến Quang khẳng định việc tiêm phòng không làm ảnh hưởng đến liệu trình điều trị ung thư cũng như không giảm hiệu quả của vắc xin. Đối với những bệnh nhân hoá trị phác đồ đa thuốc, liều cao hoặc ghép tế bào gốc tạo máu, khuyến cáo nên trì hoãn tiêm chủng vắc xin COVID-19 dựa trên dữ liệu cho thấy hầu hết các loại vắc xin chủng ngừa các bệnh có hiệu quả hạn chế trong thời gian bệnh nhân bị ức chế miễn dịch nhiều nhất.

“Bệnh nhân đang điều trị corticorsteroid, cũng là một liệu pháp ức chế miễn dịch, có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19, do vậy cần thảo luận với bác sỹ điều trị về thời gian phù hợp có thể tiêm vắc xin. Nhìn chung các bác sỹ sẽ cân nhắc tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương, tình trạng bệnh ung thư và ảnh hưởng của việc tạm ngừng các phương pháp điều trị ung thư trên từng người bệnh cụ thể để quyết định có tiêm vắc xin ngay hay trì hoãn”, TS.BS Nguyễn Tiến Quang nhấn mạnh.

Đặc biệt, đối với bệnh nhân đang sử dụng các thuốc nội tiết như tamoxifen, anastrozol, letrozol, exemestane, thuốc đồng vận LHRH, các thuốc kháng androgen … trong ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt có thể tiêm phòng vắc xin COVID-19 mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin.

Tất cả các bệnh nhân ung thư có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ với các thuốc điều trị ung thư, cần tham khảo chuyên gia dị ứng về việc tiêm vắc xin COVID-19.

Đối với bệnh nhân ung thư đang xạ trị, có thể tiêm phòng vắc xin sớm mà không cần tạm ngừng quá trình xạ trị.

Đối với bệnh nhân phẫu thuật liên quan đến ung thư, vì tiêm vắc xin có thể gây sốt trong vòng 24-48h đầu nên tốt nhất tiêm vắc xin vài ngày trước khi tiến hành phẫu thuật. Bệnh nhân có chỉ định cắt lách nên có kế hoạch tiêm vắc xin mũi đầu tiên ít nhất 2 tuần trước khi tiến hành cắt lách nếu có thể.

Bệnh nhân ung thư vú đang có kế hoạch phẫu thuật tuyến vú và vét hạch nách, nên tiêm vắc xin ở tay đối diện vì sau khi tiêm vắc xin có thể xuất hiện phản ứng tại hạch.

N. Huyền

Infonet

Xem thêm: nhc.51445419182201202-uht-gnu-irt-ueid-hnirt-auq-ned-gnouh-hna-oc-91-divoc-gnohp-nix-cav/nv.zibefac

Comments:0 | Tags: vay

“Vắc xin phòng COVID-19 có ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools