Bs.Đào Ngọc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết độ tuổi dậy thì thường bị cuốn hút vào đồ công nghệ cao như máy tính, laptop, máy tính bảng và phổ biến nhất là smartphone.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nguy cơ béo phì tăng lên 43% nếu trẻ tiếp xúc với các màn hình thiết bị điện tử nhiều hơn 5h.
Người ta đã thống kê được rằng những trẻ có thời gian xem ti vi nhiều hơn 5 tiếng mỗi ngày có nguy cơ béo phì tăng gấp ba lần so với việc trẻ uống nước ngọt và trẻ không xem ti vi.
Tương tự nếu như không xem ti vi mà trẻ sử dụng smartphone, máy tính bảng, hoặc máy tính trên 5 tiếng mỗi ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ béo phì so với trẻ uống nước ngọt mỗi ngày và ít tập thể dục; khoảng 74% trẻ có giấc ngủ không tốt cũng là do nguyên nhân này.
Nguyên nhân của tình trạng này là do, trẻ trong lứa tuổi dậy thì có đặc điểm là rất tò mò, ham tìm hiểu và cứng đầu. Chính vì thể việc kiểm soát chơi game, hay lên mạng bằng các thiết bị điện tử hay chát chít với bạn bè thực sự là vấn đề nan giải với các bậc phụ huynh vì càng cấm thì trẻ càng sử dụng nhiều chiêu trò để qua mắt các bậc phụ huynh.
Nhưng cũng có những trường hợp phụ huynh mải bận rộn với công việc và không để ý đến thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, họ có vẻ không quan tâm lắm tới việc những thiết bị đó ảnh hưởng đến sức khỏe con họ như thế nào.
Ngoài ra, khi trẻ dành nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại luôn đi kèm với việc ăn nhiều đồ ăn vặt không có lợi cho sức khỏe như bim bim, khoai tây chiên, bắp rang bơ….
“Bởi khi tập trung vào màn hình điện tử có thể khiến trẻ không kiểm soát được cơn đói. Có thể là quên ăn nhưng cũng có thể là ăn rất nhiều mà không kiểm soát được số lượng và chất lượng của thực phẩm hay chính là sự lựa chọn đồ ăn của trẻ”, Bs.Đào Ngọc cho hay.
Có rất nhiều nghiên cứu về xem ti vi và ăn uống cũng như việc xem ti vi và béo phì đã chỉ ra nguyên nhân mấu chốt gây ra tình trạng thừa cân là cách lựa chọn đồ ăn của trẻ dựa theo các quảng cáo đồ ăn vặt không có lợi trên ti vi.
Một lý do khác của việc béo phì ở trẻ em trong xã hội hiện đại đang tăng lên là do những trò chơi điện tử tương tác hiện đại đã cuốn hút trẻ em nhiều hơn là thời gian chơi ở ngoài và tham gia vào các hoạt động thể chất.
Qua khảo sát về thói quen vận động thể dục của trẻ đến khám tại Trung tâm điều trị béo phì và hội chứng chuyển hoá của Viện Y học ứng dụng Việt Nam năm 2019 cũng cho thấy có tới 88% trẻ thừa cân béo phì hiện nay thường dành khá nhiều thời gian để xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử di động và ít có thói quen tập luyện thể dục thể thao.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy thời gian vận động (chạy, đi bộ, chơi thể dục thể thao) ở nhóm trẻ béo là 49 phút/ngày, trong khi ở trẻ thường là 68 phút. Ngược lại, thời gian dành cho các hoạt động tĩnh (đặc biệt là xem tivi) ở trẻ em béo cao hơn hẳn: 82 phút/ngày (so với trẻ bình thường là 50 phút).
Vì thế, để ngăn ngừa béo phì ở trẻ, chia sẻ với Infonet, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho rằng các bố mẹ nên áp dụng phương án vận động 5+2 của Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Đó là 5 ngày thể dục/tuần: Dành ra khoảng 30 phút vào sáng, chiều cho việc cùng con tập luyện các môn thể dục, chạy chơi, đạp xe, đi bộ.
Ngoài ra, các bố mẹ cũng cần cùng con tập luyện 2 ngày thể thao/ tuần, dành khoảng 1h cho các môn thể thao, ưu tiên các môn ngoài trời và mang tính kéo dãn như bóng rổ, bóng chuyền, đá bóng, bơi, cầu lông….
Đồng thời, các bố mẹ nên hạn chế thời gian xem ti vi cũng như các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng, máy tính của trẻ xuống dưới hai giờ mỗi ngày. Trong trường hợp con bạn cần sử dụng các thiết bị đó để là công cụ cho việc học thì hãy đảm bảo là không quá 5 tiếng mỗi ngày.
N. Huyền
Infonet