Các biện pháp trừng phạt cứng rắn
Các nhà đầu tư cho biết, việc trừng phạt Nga sẽ tác động mạnh lên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, từ dầu mỏ, kim loại đến ngũ cốc. Thêm vào đó, việc loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này "mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và tổn hại năng lực hoạt động toàn cầu".
Trong khi một số ngân hàng Nga, bao gồm cả Gazprombank chuyên cung cấp các khoản thanh toán trong lĩnh vực dầu khí, dường như đã thoát khỏi nguy cơ bị chặn nhưng tác động của những biện pháp này vẫn rất lớn. Việc các ngân hàng bị trừng phạt cần thời gian để chuyển sang các hệ thống mới, có nghĩa là vẫn sẽ có những biến động lớn với dòng chảy của khí từ Nga tới châu Âu.
Ngoài ra, phương Tây cũng đang từng bước thực thi các biện pháp nhằm hạn chế dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga. Lĩnh vực năng lượng vẫn được miễn trừ.
"Ngay cả khi miễn trừ các giao dịch năng lượng, SWIFT vẫn có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể đối với dòng chảy thương mại năng lượng trong thời gian tới, ít nhất là cho đến khi người mua chuyển sang các lựa chọn thay thế như Telex hay các hệ thống khác", Amrita Sen, đồng sáng lập của Energy Aspects, cho biết.
Đối với các mặt hàng khác, Sen cho rằng giao thương sẽ chẳng thể tiếp tục nếu không được miễn trừ.
SWIFT hay Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu là một hệ thống nhắn tin an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng. Nó góp phần chuyển hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và vốn đã trở thành cơ chế chính để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế.
Nga xuất khẩu 10% lượng dầu toàn cầu và cung cấp 40% lượng khí đốt của châu Âu. Đây là nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn nhất thế giới, nhà sản xuất paladi và niken hàng đầu, nhà xuất khẩu than và thép lớn thứ 3 và cũng là nhà xuất khẩu gỗ lớn thứ 5.
Việc loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT sẽ loại trừ gần như toàn bộ hệ thống thương mại của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới đồng thời cũng là nhà cung cấp 1/6 tổng số hàng hóa, điều chưa từng có tiền lệ trong thời đại toàn cầu hóa. Và nó diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang phải vật lộn với giá năng lượng cao kỷ lục trong bối cảnh lạm phát phi mã.
Ít nhất 10 chuyên gia trong lĩnh vực hàng hóa và dầu mỏ, những người chia sẻ trong điều kiện giấu tên, cho rằng dòng chảy hàng hóa của Nga sang phương Tây sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng, thậm chí có thể dừng hoàn toàn trong vài ngày nếu không nói là vài tuần cho đến khi có những thông tin rõ ràng về những hàng hóa được miễn trừ.
"Bạn vẫn có thể sử dụng hệ thống nội bộ các ngân hàng quốc tế có chi nhánh ở Nga nhưng sẽ khá lộn xộn", nhân viên một ngân hàng lớn phương Tây có liên hệ với Nga nói trong điều kiện giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.
Tác động trên quy mô toàn cầu
Trong khi đó, rất nhiều công ty sẽ coi dầu của Nga là loại sản phẩm bị trừng phạt và không muốn động vào nó ngay cả khi họ hoàn toàn được phép. Chính vì thế, quãng thời gian vài ngày tới sẽ "đau đớn tối đa" khi mọi người cố gắng tìm ra những cánh cửa còn mở.
Ở chiều khác, dòng chảy hàng hóa và năng lượng Nga sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể vẫn tiếp tục. Cả hai nước đều đang phát triển các lựa chọn thay thế cho SWIFT. Bắc Kinh đã khuyến khích sử dụng các giải pháp thay thế "cây nhà lá vườn" của mình, được gọi là hệ thống dịch vụ thanh toán và bù trừ CIPS. Trong khi đó, Moscow thiết lập hệ thống nhắn tin riêng của mình được gọi là SPFS.
Các quan chức Nga cho biết nước này có thể tái định tuyến xuất khẩu sang Trung Quốc trong trường hợp dòng chảy sang phương Tây bị gián đoạn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khí đốt hoàn toàn không thể tái định tuyến trong khi khả năng tiếp nhận thêm dầu của Bắc Kinh là có hạn.
Giá dầu tăng vọt trong phiên giao dịch 28/2 sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt thêm cá biện pháp trừng phạt với Nga và chặn một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu. Người ta lo ngại điều này có thể gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.
Dàu Brent tăng 4,82 USD/thùng, tương đương 4,9%, lên 102,75 USD/thùng. Trước đó, có lúc giá dầu chạm 105,07 USD thùng.
Dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng 4,62 USD/thùng, tương đương khoảng 5%, lên 96,21 USD/thùng sau khi chạm mức 99,1 USD/thùng trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Các nhà phân tích của Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết: "Những lo ngại ngày càng tăng về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga đang đẩy giá dầu và giá khí đốt tăng mạnh".
Các loại dầu của Nga đóng vai trò quan trọng với thị trường toàn cầu khi chiếm tới 10% nguồn cung. Việc gián đoạn nhiều khả năng còn khiến giá dầu, khí đốt và nhiều mặt hàng khác tăng cao hơn nữa. Nó làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát ở phương Tây.
Tham khảo: Reuters
http://tintuc.vdong.vn/03/1250026.htm