Lễ ký kết hợp tác đầu tư
Khát vọng cống hiến… chưa đủ
Đường cao tốc từ Lạng Sơn kết nối lên các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng. Đó là khát vọng của người dân, của lãnh đạo địa phương nhiều nhiệm kỳ tại một địa phương còn nhiều khó khăn, lưu lượng xe cộ ít, tổng mức đầu tư rất lớn thì phương thức BOT thuần túy không thể nào khả thi.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, nhiều lần thừa nhận: "Với những khó khăn như vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) đến rồi lắc đầu bỏ đi".
Ngày 24-2, UBND tỉnh Cao Bằng cùng 4 DN ký kết hợp tác đầu tư xây dựng tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là một bước tiến rất dài trong việc thúc đẩy triển khai xây dựng, hoàn thành dự án. Liên danh nhà đầu tư này gồm Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest cam kết huy động vốn hợp tác đầu tư (BCC) là 2.685 tỉ đồng, phần còn lại khoảng 2.685 tỉ đồng sẽ đồng hành cùng CQCTQ huy động từ các ngân hàng cấp tín dụng để thực hiện dự án cao tốc.
Tại lễ ký kết, ông Hoàng Xuân Ánh chia sẻ: Ba năm qua, Đèo Cả đã đồng hành nghiên cứu các giải pháp công nghệ khoan hầm, cầu vượt thung lũng để tiết giảm kinh phí cho dự án và chung tay cùng tỉnh chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ lương thực, làm những con đường bê tông liên bản, xây những ngôi nhà tình nghĩa…
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã nhiều lần đến Đền thờ Bác Hồ ở tại khu di tích Pác Bó để dâng hương, báo cáo những việc đã thực hiện và nêu cả những vướng mắc về thể chế và lúc nào cũng bày tỏ quyết tâm thực hiện bằng được dự án này. Đó không phải là một DN đến một địa phương để đầu tư thông thường mà là khát vọng tạo ra "giá trị thật" trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tỉnh Cao Bằng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để liên danh nhà đầu tư Đèo Cả, Văn Phú, Phú Mỹ, Thành Lợi tham gia đầu tư đường cao tốc và các dự án bất động sản, khu công nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng".
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc (hàng đầu, bên phải) và thầy Thích Đức Thiện, Trụ trì chùa Trúc Lâm (bên trái)
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá cao tính khả thi của dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
"Khi thực hiện dự án này, đã có rất nhiều sáng kiến từ các nhà đầu tư đề xuất dự án mà lãnh đạo Cao Bằng đã đồng hành. Tôi cho rằng sự quyết tâm của các nhà đầu tư là có cơ sở, cách kết nối rất thông minh, chia nhỏ rủi ro nhưng chia nhiều lợi ích được thụ hưởng trong tương lai cho các DN khai phá, biết kết nối hạ tầng giao thông với các địa dư bất động sản, KCN, dịch vụ logistic, cửa khẩu… Dự án này không chỉ mang đến cho tỉnh Cao Bằng một con đường mà cả tầm nhìn chiến lược, về cách làm, biện pháp huy động vốn của mô hình PPP, sẽ là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh còn nhiều khó khăn" - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Cần mạnh dạn điều chỉnh các quy định không phù hợp
Tại buổi lễ, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đã đưa ra 5 đề xuất để thực hiện được dự án. Đó là bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đúng tiến độ khi các nguồn vốn khác đã được cơ cấu, bảo đảm tiến độ các dự án kết nối cao tốc tạo nguồn lực cho dự án, thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án theo Luật PPP, thống nhất với nhà đầu tư để phê duyệt tiến độ thực hiện dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tỏ rõ sự quyết tâm và xác định trách nhiệm của các bên liên quan, công khai cho nhân dân giám sát, có chế tài thưởng phạt hay xử lý kỷ luật làm cơ sở thúc đẩy tiến độ dự án.
Đáng chú ý, ông Hồ Minh Hoàng yêu cầu tỉnh Cao Bằng với vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng Bộ GTVT và các đơn vị liên quan báo cáo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và thông tin cho nhân dân biết về cách làm mới chưa có tiền lệ của DN nhưng qua thực tiễn đã minh chứng thành công. Qua đó, cần điều chỉnh các quy định không phù hợp với thực tế.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư theo phương thức PPP dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hôm 24-2
Tập đoàn Đèo Cả không chỉ thể hiện cụ thể việc huy động vốn tại Đồng Đăng - Trà Lĩnh mà còn huy động vốn thành công tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Một dự án thành phần thuộc đại dự án cao tốc Bắc - Nam được thực hiện dưới hình thức PPP). Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã thu xếp đầy đủ nguồn vốn sớm nhất và đây cũng chính là một trong những dự án PPP được giải ngân vốn Nhà nước sớm nhất.
Sau lễ ký kết hợp đồng tín dụng đến nay, TPbank đã giải ngân sớm hơn 2 tháng so với quy định hợp đồng. Các đơn vị thông qua hợp tác kinh doanh đã giải ngân hơn 187 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu đã giải ngân trước vào dự án 722 tỉ đồng, vượt tiến độ 140% theo quy định của hợp đồng dự án. Thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, vốn ngân sách Nhà nước đã thanh toán đợt 1 cho nhà đầu tư là hơn 24 tỉ đồng.
"Tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tôi kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với những ai làm việc thiếu trách nhiệm để chúng ta sớm có kết quả, sớm hoàn thành ra con đường, đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước và cam kết của Tập đoàn với Chính phủ, các bộ ngành liên quan và niềm tin của người dân Cao Bằng vì tôi và lãnh đạo tỉnh đã hứa tới 3 lần rồi" - ông Hồ Minh Hoàng cho hay.
Trước đó, dọc hành trình thị sát tuyến cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng đã yêu cầu tất cả phải làm việc trên tinh thần "làm tốt thì được thưởng - làm không tốt thì phải xử phạt", tìm ra mô hình phù hợp.
Sự dấn thân của DN tư nhân trong việc các bên hợp tác đầu tư triển khai xây dựng tại Đồng Đăng – Trà Lĩnh cần nhân rộng, lan tỏa trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Xem thêm: mth.71871828010302202-hnil-art-gnad-gnod-neih-cuht-ed-meihn-hcart-pal-cax/et-hnik/nv.moc.dln