Trong clip xuất hiện một nhóm người ăn mặc lịch lãm, dựng các khung rạp trên một bãi đất trống để giao dịch bất động sản. Điều đáng nói, các hoạt động giao dịch như chốt, cọc chỉ diễn ra chớp nhoáng, có phần tranh giành, chen lấn. Trên thị trường đã bùng nổ một cuộc tranh cãi: Giao dịch này có thật hay không? Hay chỉ là chiêu trò bán hàng của các đơn vị môi giới.
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, nhóm người đứng ra rao bán đất thuộc một công ty có trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Còn khu đất được dựng rạp rao bán nhộn nhịp thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây không phải là lần đầu tiên những cảnh tranh mua, tranh bán đất diễn ra. Theo chính các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, các địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã từng xuất hiện kịch bản này.
"Đó là một chiêu các công ty hay thực hiện để chốt khách hàng và đưa khách hàng vào tâm lý đám đông. Các công ty môi giới thường cài lẫn nhân viên của họ vào đóng vai khách hàng. Trong quá trình giao dịch, nhân viên là khách hàng giả thường liên lục tác động tâm lý đến khách hàng thật nên đôi khi khách hàng thật họ xuống tiền, đặt cọc mua vì bị tác động tâm lý", ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Land nhận định.
Khu đất được dựng rạp rao bán nhộn nhịp thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Theo chia sẻ, các môi giới sẽ đăng thông tin về các lô đất trên mạng. Sau đó, lập 1 tour có xe đưa đón chở những khách hàng quan tâm đi xem đất. Khung cảnh nhộn nhịp tranh nhau mua đất do chính các môi giới tạo ra rất dễ làm nảy sinh tâm lý sợ bị bỏ lỡ, không mua thì hết, khiến nhiều khách hàng mắc bẫy.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: "Vẫn có những nhà đầu tư thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật, nhất là những nhà đầu tư tay ngang, những người kinh doanh tài chính từ các ngành nghề khác trong giai đoạn vừa rồi do kinh tế suy yếu nhiều ngành nghề kinh doanh thiếu hiệu quả thì họ chuyển vốn sang thị trường bất động sản. Những đối tượng này chúng tôi vẫn gọi là F0 - những đối tượng rất dễ bị lợi dụng và bị sập bẫy".
Nhân viên công ty bất động sản mặc áo vest, tay xách cặp chạy nháo nhào để chốt cọc.
Trở lại câu chuyện tại Bình Phước, đáng chú ý, lãnh đạo địa phương khẳng định, trên địa bàn xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh không có bất cứ dự án khu dân cư nào được cấp phép.
Chính quyền địa phương đã cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra và lập biên bản về hành vi tập trung đông người, thực hiện các giao dịch bất động sản nhưng không chứng minh được các giấy tờ pháp lý liên quan.
Tuy nhiên, phía đại diện công ty bán đất lại khẳng định, thực chất, đây không phải là đất dự án, mà là đất nền họ mua gom từ người dân địa phương, sau đó bán lại cho nhà đầu tư.
"Tên dự án chỉ là tên gọi thôi. Mình có từng lô, từng lô có sổ hết rồi chị, mình bán cá nhân, sổ từng lô rồi, ai dám bán bậy, bán bậy đi tù chết", đại diện Công ty địa ốc Nam Khương (Bình Dương) nói.
Được biết, hiện nay, lãnh đạo công ty trên đang làm việc với các cấp chính quyền địa phương tại tỉnh Bình Phước để làm rõ các thông tin liên quan. Thực chất, đây không phải lần đầu tiên thị trường bất động sản xuất hiện hiện tượng này, vì vậy các chuyên gia cảnh báo người mua cần cảnh giác trước các chiêu trò bán hàng của đội ngũ môi giới nhà đất và kiểm tra kỹ càng pháp lý của nền đất định mua.
VTV.vn - Ngoài căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thì giá đất nền ghi nhận tăng cao 20-30% so với năm trước, có nơi xảy ra "sốt giá".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!