Thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 2.2022 là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việt Nam có 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 2.2022, thị trường lớn nhất của Việt Nam trong xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục là Mỹ và Trung Quốc.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 2,3 tỉ USD (chiếm 28,2% thị phần). Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ chiếm tỉ trọng lớn nhất - chiếm tới 69,9% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 1,3 tỉ USD (chiếm 16,2% thị phần); trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm caosu chiếm tới 33,3% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Sau Mỹ và Trung Quốc, thị trường Nhật Bản xếp thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD (chiếm 7,3%), nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất (chiếm 44,8% giá trị).
Đứng thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 376 triệu USD (chiếm 4,7%). Nhóm sản phẩm gỗ cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất (chiếm 51,6%) trong cơ cấu giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Hàng loạt nhóm hàng xuất khẩu tăng đẩy thặng dư thương mại bật tăng
Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, tháng 2.2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 14,2 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước trên 6,2 tỉ USD, tăng 10%. Điều đáng nói là, trong tháng 2.2022, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 1,8 tỉ USD, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều xuất đi, trong tháng 2.2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,3 tỉ USD, tăng 21,8% so với tháng 2.2021 (tuy nhiên giảm 31,4% so với tháng 1.2022).
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỉ USD, tăng 10,2%; sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, giảm 3,5%; thủy sản đạt gần 1,5 tỉ USD, tăng 47,2%; lâm sản chính đạt gần 2,9 tỉ USD, tăng 17%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 367 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Càphê tăng 35,6%, caosu tăng 6,6%, gạo tăng 22,3%, hồ tiêu tăng 43,8%, sữa và sản phẩm sữa tăng 11,1%, thịt, phụ phẩm thịt tăng 3,6%, cá tra tăng 83,3%, tôm tăng 34,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,5%; mây tre, cói tăng 49,2%…
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, như: Chè giảm 10,8%), rau quả giảm 12,3%), hạt điều giảm 2,4%, sắn và sản phẩm sắn giảm 12,8%...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng năm 2022 ước đạt trên 6,2 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Để đạt các mục tiêu đã đề ra, tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu, Bộ NNPTNT đang tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc… Đặc biệt, để giữ ổn định và bền vững thị trường Trung Quốc, Bộ NNPTNT tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và tổng hợp kết quả thực hiện Lệnh 248, Lệnh 249 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, tính đến ngày 25.2, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) đã tổng hợp được 119 thông báo dự thảo quy định về SPS của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; gửi cho các cơ quan liên quan xem xét góp ý. Xử lý 7 cảnh báo của EU về sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vi phạm quy định của EU.