Ồ ạt tháo chạy khỏi Nga
Hôm 28/2, Shell (trụ sở tại Anh) thông báo sẽ rút khỏi tất cả các hoạt động ở Nga, bao gồm cả một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn. Qua đó, đại gia dầu khí Anh vừa trở thành tập đoàn năng lượng phương Tây mới nhất rời bỏ cường quốc dầu mỏ sau khi Moscow tiến quân vào Ukraine.
Một ngày trước đó, đối thủ của Shell là BP đã từ bỏ cổ phần trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga, dù động thái này có thể khiến công ty thiệt hại hơn 25 tỷ USD. Gã khổng lồ Equinor của Na Uy cũng lên kế hoạch rời khỏi Nga.
CEO Bernard Looney của BP triệu tập cuộc họp khẩn với đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp hôm 24/2, chỉ vài giờ sau khi quả bom đầu tiên của Nga rơi xuống thủ đô Kiev của Ukraine, nguồn tin nội bộ chia sẻ với Reuters.
Nguồn tin nói rằng trong các cuộc họp kín trước đó, ông Looney đã làm rõ rằng BP không còn có thể giữ được các khoản đầu tư vào Rosneft: "Chúng tôi chỉ có thể đưa ra một quyết định. Rút lui là con đường khả dĩ duy nhất".
Theo lời kể, ông Looney đã tổ chức thêm hai cuộc họp HĐQT vào cuối tuần, sau đó các thành viên bỏ phiếu để rút khỏi cổ phần tại Rosneft ngay lập tức.
Ông Looney cũng đã nói chuyện với Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng vào ngày 25/2, khi đó ông Kwarteng bày tỏ quan ngại về lợi ích của BP ở Nga. Ông Kwarteng đã hoan nghênh quyết định rút lui của BP trên Twitter.
Quyết định không dễ dàng của Shell
Tuyên bố của Shell viết rằng tập đoàn sẽ buông bỏ nhà máy LNG Sakhalin 2. Shell và đại gia khí đốt Nga Gazprom lần lượt sở hữu 27,5% và 50% cổ phần trong nhà máy.
Shell cho biết quyết định rút khỏi các liên doanh tại Nga sẽ dẫn đến tài sản bị giảm giá trị. Tập đoàn có khoảng 3 tỷ USD tài sản dài hạn trong các dự án liên doanh ở Nga tính đến cuối năm 2021.
CEO Ben van Beurden của Shell viết trong tuyên bố: "Chúng tôi bàng hoàng và xót xa trước tổn thất nhân mạng tại Ukraine. Đây là kết quả của hành vi gây hấn quân sự vô lý, đe dọa đến an ninh châu Âu".
Bộ trưởng Kwarteng gửi thông điệp tương tự đến Shell vào ngày 28/2. Ông khen ngợi trên Twitter: "Shell đã ra quyết định đúng khi thoái vốn khỏi Nga". Ông tiết lộ mình đã nói chuyện với CEO Ben van Beurden trước đó trong cùng ngày.
Dự án Sakhalin 2 nằm ngoài khơi bờ biển phía đông bắc của Nga, có quy mô rất lớn, dự kiến sản xuất khoảng 11,5 triệu tấn LNG mỗi năm và xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc và Nhật Bản.
Đối với Shell, tập đoàn kinh doanh LNG lớn nhất thế giới, việc từ bỏ dự án trên đã giáng đòn đau vào kế hoạch cung cấp khí đốt cho các thị trường tiềm năng trong những thập kỷ tới.
Shell cho biết việc rút lui khỏi Nga sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và thải ít carbon của tập đoàn.
Công ty cũng dự định chấm dứt việc tham gia vào đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối Nga với Đức, cụ thể là chấm dứt vai trò tài trợ. Tuần trước, Đức đã tạm dừng dự án này. Shell cũng sẽ rút khỏi Salym Petroleum Development, một liên doanh khác với Gazprom. Tổng cộng, Salym và Sakhalin 2 đóng góp 700 triệu USD vào lợi nhuận ròng của Shell năm 2021.
Ông Adam Matthews, Giám đốc chịu trách nhiệm đầu tư của Church of England Pensions Board, một trong những cổ đông của Shell, cũng ủng hộ động thái của tập đoàn nước Anh.
Ông Matthews viết trên LinkedIn: "HĐQT Shell đã ra quyết định đúng khi rút lui khỏi các dự án liên doanh ở Nga. Sau động thái của BP, tâm điểm của công chúng đang dồn vào những công ty chưa thực hiện bước đi tương tự".
Equinor, đại gia năng lượng phần lớn thuộc sở hữu của chính phủ Na Uy thông báo sẽ bắt đầu thoái vốn các liên doanh ở Nga. Một ngày trước đó, hôm 27/2, quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới của Na Uy cũng quyết định thoái vốn khỏi các tài sản ở Nga.
Các công ty khác bao gồm ngân hàng đa quốc gia HSBC và công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap cũng lên kế hoạch rời khỏi Nga trong bối cảnh chính phủ phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề lên Moscow.