Để đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ 16,5 tỉ USD trong năm 2022 và 20 tỉ USD trong năm 2025, ngành gỗ đã phối hợp với các ngành khác.
Ngành gỗ đối diện nhiều thách thức trong năm 2022
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022 có nhiều thuận lợi tạo đà cho xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều thách thức tác động đến sự tăng trưởng của toàn ngành.
Dư địa cho phát triển ngành gỗ Việt Nam trong năm 2022 còn rất lớn, khi nhu cầu đồ gỗ trên thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm nay: Nguyên liệu thiếu hụt và không ngừng tăng giá; cước phí tàu biển tăng cao; khan hiếm container rỗng...
Theo TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích chính sách - Tổ chức Forest Trends, tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu đến 5-6 triệu mét khối (m3) gỗ đang là "nút thắt" lớn trong ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.
"Với chi phí vận chuyển ở mức vẫn rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đây là tín hiệu cho thấy giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu có sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu" - TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời phân tích thêm: Gỗ nguyên liệu là một trong những cấu thành quan trọng nhất trong mỗi sản phẩm, giá trị chiếm khoảng 50% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Tỉ trọng này tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra. Nguyên nhân là bởi đại dịch làm tăng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu và tăng cước vận chuyển.
Ông Lê Xuân Quân- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai - cũng lưu ý: Việt Nam cần chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu (EU), Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế.
"Bắt tay" để ngành gỗ phát triển bền vững
Để phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỉ USD, mới đây, 5 hiệp hội ngành gỗ gồm: Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA); Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA); Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, với phương châm "muốn đi xa thì không đi một mình".
Mục tiêu của sự hợp tác là nhằm liên kết hình thành và phát triển một khu lâm nghiệp công nghệ cao ở phía Nam trở thành một trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
5 hiệp hội sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, đề ra những định hướng và giải pháp hiệu quả; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, loại bỏ những doanh nghiệp gian lận, làm ăn phi pháp nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác thương mại, đưa ngành gỗ Việt Nam phát triển "xanh" và bền vững.
Với kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỉ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đã nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD trong tháng 1.2022 và đứng trong tốp 3 nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số. Trong đó, xuất khẩu gỗ đứng thứ hai về tăng trưởng sau nhóm hàng dệt may.
Xem thêm: odl.3198101-hnim-tom-id-gnohk-iht-noh-ax-id-noum-dsu-it-02-og-uahk-taux/et-hnik/nv.gnodoal