Cuối 2017, cảnh sát thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, nhận được tin báo địa cung dưới tháp chùa Khai Nguyên bị đào trộm, lấy đi nhiều cổ vật cất giấu gần 1.000 năm. Từ vụ án này, cảnh sát khám phá hàng loạt vụ trộm mộ cổ, tháp cổ với thủ đoạn tinh vi, bí mật ở nhiều địa phương.
Tháp chùa Khai Nguyên cao gần 50 m, được xây bằng gạch theo hình bát giác từ thời Bắc Tống, nằm giữa trung tâm Bân Châu của cố đô Hàm Dương, được xếp vào di tích văn hóa cấp quốc gia. 49 văn vật bị đánh cắp gồm xá lợi của Phật Thích Ca, hai quan tài vàng 23 lượng, ba quan tài bạc 14 lượng, tượng Bồ Tát bằng đồng...
Vụ án có đặc điểm là nhóm tội phạm lén đào hầm dưới lòng đất, không ai biết đồ vật đã bị lấy trộm, thậm chí không biết rõ dưới tháp cổ có địa cung. Khi nhận được manh mối, cảnh sát chỉ biết rằng nghi phạm chính trong vụ án là Vệ Vĩnh Cương, nhưng danh tính của những người khác không xác định được.
Vệ Vĩnh Cương, 49 tuổi, có tiền án trộm cắp văn vật, từng bị bắt chính vì đào trộm tháp chùa Khai Nguyên năm 2001. Khi đó, gần tháp cổ là đường chạy của sân vận động. Cương thuê một cửa hàng nhỏ cạnh đường chạy, ngày đêm đào hầm dưới vỏ bọc sản xuất bột giặt, hòng mở đường thông đến địa cung để trộm báu vật. Tuy nhiên hắn gây ra động tĩnh quá lớn nên bị quần chúng phát giác, bị bắt khi chỉ còn cách địa cung vài mét. Cương bị phạt 15 năm tù nhưng được giảm án, thả tự do vào năm 2011.
Sau nhiều năm, ngọn tháp cổ giờ được bao quanh bởi quảng trường rộng lớn. Sau khi điều tra, nơi duy nhất có thể thực hiện đào trộm là một trung tâm dạy thêm trong khuôn viên của công ty dược liệu cách đó hơn 200 m. Cảnh sát phát hiện vào năm 2015, nơi đây là một nhà hàng ẩm thực, chủ sở hữu là Triệu Lệ Ảnh, có anh rể chính là Vệ Vĩnh Cương.
Tập trung điều tra các mối quan hệ xã hội của Cương, cảnh sát phát hiện Diêm Quốc Cường và Cương từng là bạn tù. Sau khi mãn hạn tù, Cường được nhìn thấy xuất hiện nhiều lần gần chùa Khai Nguyên. Cảnh sát bí mật bắt Cường, thu thập đầy đủ bằng chứng cho thấy anh ta và nhóm của Cương hợp tác gây án vào tháng 4/2015. Cương và 6 người trong nhóm bị truy bắt trên nhiều tỉnh thành.
Khi sa lưới, Cương thú nhận sau khi vào tù năm 2001, anh ta luôn trăn trở vì thất bại trước đó. Trong thời gian thụ án, anh ta đã bàn bạc với các bạn tù về cách cải tiến phương pháp. Sau khi mãn hạn tù, Cương lập băng nhóm quyết tâm phục thù.
Phi vụ đầu tiên, chúng thuê một ngôi nhà ở Hưng Bình, Hàm Dương, mở cửa hàng bán bánh nướng để che giấu, bên dưới đào một đường hầm dài gần 40 m trong hơn hai tháng, xâm nhập địa cung của tháp chùa Thanh Phạn được xây dựng từ thời nhà Đường. Ngôi tháp Ashoka bằng bạc, tháp đá vẽ màu khắc chữ cổ, bình lưu ly đựng xá lợi Phật và các văn vật khác bị bán cho một bảo tàng tư nhân ở Bắc Kinh với giá 600.000 nhân dân tệ (95.000 USD).
Nhóm tội phạm thường đào hầm vào sau nửa đêm, cho đất cát vào bao tải rồi chuyển đi cùng rác thải thực phẩm vào sáng sớm. Chúng mất vài tháng, thậm chí nửa năm đào từng chút một, đồng thời sử dụng các thiết bị đo đạc và chống sập chuyên nghiệp. Sau khi trộm thành công, chúng sẽ lấp hầm lại để che dấu vết rồi trả lại nhà thuê.
Đầu 2015, sau khi trộm liên tiếp 5 tòa tháp cổ, Cương lại nhắm mục tiêu vào chùa Khai Nguyên - nơi hắn từng "sảy chân". Nhóm của Cương mở nhà hàng ẩm thực vào tháng 4 năm đó, đào một cái hố bên cạnh phòng vệ sinh của nhà hàng và mở đường hầm thông với địa cung của tháp vào tháng 10. Các văn vật bị bán sang tay, cuối cùng được một nhân viên đã nghỉ hưu của một viện bảo tàng ở tỉnh Chiết Giang mua với giá 23 triệu nhân dân tệ (hơn 3,6 triệu USD), cất giữ tại nhà riêng. Cảnh sát đã thuyết phục người này bàn giao tang vật cho quốc gia.
Đội điều tra gặp khó khi vào địa cung thu thập chứng cứ và xác định những món đồ bị đánh cắp. Họ có thể vào địa cung từ cổng được xây dựng từ thời cổ đại, nhưng như vậy có khả năng gây hư hại cho cấu trúc tháp lâu đời. Vì thế, để bảo vệ các di tích văn hóa và không gây ra thiệt hại thêm cho tòa tháp cổ trong quá trình điều tra, cảnh sát chỉ có thể trèo xuống qua hầm rộng 50 cm, cao 70 cm do nhóm trộm đào.
Không chỉ bị sập một phần do quá trình đào trộm, địa cung lúc này còn chứa đầy nước. Sau 24 giờ liên tục bơm nước, cảnh sát mới có thể tiến vào. Họ lắp đặt camera, thiết bị chiếu sáng có thể điều chỉnh và truyền hình ảnh lên trên qua kết nối có dây. Bên trong hầu như không còn gì, chỉ có những thanh đá bị sập và một tấm bia đá ghi chép những vật phẩm được thờ phụng trong tháp.
Theo điều tra, từ 2011 đến 2015, nhóm tội phạm do Cương cầm đầu đã thực hiện 6 vụ trộm địa cung dưới tháp cổ ở 6 huyện, thành tại tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, và trộm mộ cổ thời Tây Chu ở thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây.
Sau 10 tháng điều tra, 36 người liên quan bị bắt, phạt tù từ 2 đến 15 năm. 95 văn vật quý giá đã được hoàn trả.
Tháng 4/2020, Cương bị kết án 15 năm tù, phạt tiền 500.000 nhân dân tệ (gần 80.000 USD).
Tuệ Anh (Theo Xinhua, CCTV)
Xem thêm: lmth.1892344-tav-oc-teuq-nac-mah-oad-med-hnab-nab-yagn-mort-mohn/ten.sserpxenv