Tập đoàn sản xuất linh kiện mạng Zyxel Communications đã dừng vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới châu Âu bằng đường sắt do ảnh hưởng của tình hình chiến sự tại Ukraine. Tuyến đường sắt Trung Quốc – Châu Âu là một phần thiết yếu trong sáng kiến Vành đai - Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo Bloomberg, Zyxel là nhà sản xuất các thiết bị mạng như router và switch, được sở hữu bởi Tập đoàn Unixyz của Đài Loan.
Ngày 26/2, Chủ tịch Zyxel Karsten Gewecke cho biết công ty ông đã quyết định dừng vận chuyển hàng hóa qua tuyến vận tải được Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc vận hành. Theo một đại diện của Zyxel, công ty lo ngại hoạt động của tuyến đường bị gián đoạn.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine có nguy cơ làm trầm trọng thêm khủng hoảng vận tải toàn cầu. Trong một năm qua, nguồn cung thiết bị điện tử cho điện thoại, máy chơi game và chip dùng trong ô tô đều bị gián đoạn bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong hoàn cảnh đứt gãy đó, theo ông Gewecke, Zyxel đã phải lựa chọn sử dụng tàu hỏa làm phương tiện vận chuyển thay cho đường biển bởi vì tàu hỏa chỉ mất 3 – 4 tuần để đến nơi, trong khi tàu thủy sẽ mất vài tháng.
Ông Gewecke nói trong một bài phỏng vấn: "Tôi lo ngại rằng có thể sẽ có rất nhiều hàng hóa bị kẹt lại ở biên giới Ba Lan. Từ khoảng 1,5 năm về trước, với các đơn hàng đến châu Âu, do những khó khăn trong việc thuê tàu biển, chúng tôi bắt đầu sử dụng tuyến đường sắt có lộ trình Trung Quốc qua Nga sang châu Âu và đến Đức."
Mạng lưới đường sắt này có một phần chạy qua Nga, Ba Lan và Belarus, là tuyến đường chính để xuất khẩu các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất như máy tính xách tay sang châu Âu. Theo tờ 21 Century Business Herald, gần 10 triệu máy tính xách tay đã được vận chuyển thông qua tuyến vận tải này từ thành phố Trung Khánh chỉ trong năm 2020.
Các tập đoàn trên toàn cầu đang phải vật lộn với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Ukraine, vốn có nguy cơ đảo lộn hệ thống ngân hàng, năng lượng và tiền tệ trên toàn cầu. Giờ đây, các biện pháp trừng phạt do Mỹ đứng đầu đối với việc xuất khẩu công nghệ cũng đang khiến ngành này phải gián đoạn.
Trong trường hợp Washington cấm vận Moscow về công nghệ, có thể Zyxel sẽ không thể bán được các thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông như switch mạng cho Nga bởi sản phẩm này có chứa chip của Mỹ.
Năm ngoái, hoạt động của Zyxel đã bị trì hoãn vì tình trạng thiếu chip. "Thành thật mà nói, tại thời điểm này, tôi quan tâm đến đội ngũ nhân viên hơn là công việc kinh doanh," ông Gewecke nói.
Xem thêm: mth.85790537020302202-couq-gnurt-auc-gnouht-oaig-gnoud-noc-aod-ed-eniarku-o-us-neihc/nv.zibmanteiv