Dựa vào Trung Quốc?
Theo AP, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và chuyên gia về cấm vận dự báo Nga sẽ cố gắng giảm thiểu tác động của trừng phạt kinh tế bằng dựa vào việc bán nhiên liệu, dự trữ vàng và nhân dân tệ.
Ông Putin cũng sẽ kì vọng vào việc chuyển tiền thông qua những ngân hàng nhỏ và tài khoản của các gia đình tài phiệt không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận. Các con đường khác bao gồm tiền điện tử và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga.
Cựu Giám đốc Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ John Smith cho biết: "Hiện tại, hai lối thoát tốt nhất mà Nga có là Trung Quốc và năng lượng".
Mỹ và EU đã sử dụng các lệnh trừng phạt để đánh vào những ngân hàng lớn nhất và tầng lớp tinh hoa của Nga, đóng băng tài sản Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, cấm các tổ chức tài chính sử dụng SWIFT. Dù vậy, phần lớn dầu và khí tự nhiên của Nga vẫn được tự do buôn bán trên khắp thế giới.
Nga có khả năng sẽ thắt chặt quan hệ với Trung Quốc nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa và dịch vụ từ phương Tây. Tuy nhiên, ông Smith nói: "Nga đang đặt cược vào nhu cầu về nguồn dự trữ nhiên liệu không lồ của mình, đặc biệt trong mùa đông lạnh. Nếu có thể bán ra thị trường, Nga sẽ thu lợi lớn từ nguồn nhiên liệu này".
Tháng 2/2022, Trung Quốc và Nga đã kí hợp đồng mua bán khí đốt có thời hạn 30 năm. Tuy nhiên, đường ống dẫn gas cần ít nhất 3 năm để hoàn thành. Ngày 25/2, Trung Quốc thông báo sẽ lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lúa mỳ trên toàn lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, ông Smith cho rằng Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ "mạnh tay ép giá" bởi giờ đây Nga có ít người mua hơn, đồng thời Trung Quốc muốn tránh trở thành mục tiêu của những đợt trừng phạt tiếp theo.
Vào 28/2, Mỹ tiếp tục tăng cường cấm vận nhằm vào tài sản của Ngân hàng Trung Ương Nga tại Mỹ hoặc sở hữu bởi người dân Mỹ. Chính quyền Biden ước tính hành động này có thể ảnh hưởng tới khoản dự trữ ngoại hối trị giá hàng trăm tỷ USD của Nga.
Biện pháp mới nhất này vẫn cho phép những giao dịch liên quan đến nhiên liệu. Cấm vận cũng không ảnh hưởng tới dự trữ vàng của Nga, nguồn tài sản mà ông Putin đã dự trữ trong suốt nhiều năm.
Phó Giáo sư tiến sĩ Chính trị học đại học Nottingham, chuyên nghiên cứu về vấn đề cấm vận kinh tế, ông Tyler Kustra cho rằng Moscow đã áp dụng chính sách "Pháo đài kinh tế Nga". Chính sách này hướng tới sản xuất hàng hóa nội địa kể cả khi nhập khẩu rẻ hơn nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi các lệnh cấm vận trong tương lai.
Đa phần thực phẩm của Nga đều được sản xuất trong nước, nhưng một số không thể sánh ngang với các sản phẩm nước ngoài, trong khi số khác không thể được thay thế. Ông Kustra nói: "Bạn tôi ở Moscow luôn nói Nga chưa bao giờ được làm pho mát ngon".
Hy vọng mong manh vào tiền mã hóa
Theo ông David Szakonyi, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học George Washington, một lối thoát Nga chắc chắn sẽ dùng là dựa vào tiền mã hóa cho các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định "tiền mã hóa khó có thể sử dụng thay thế cho các giao dịch lớn trong tương lại".
Khoảng 80% giao dịch tài chính của Nga trong quá khứ sử dụng đồng USD. Theo một quan chức thuộc Nhà trắng, các nhà làm luật và quan chức Bộ Tài chính Mỹ đang tăng cường các hành động để "tích cực chiến đấu" với việc sử dụng tiền mã hóa để né tránh cấm vận.
Vị quan chức này không bình luận về việc Chính quyền Biden xem xét các sàn giao dịch tiền mã hóa của Nga vào danh sách cấm vận.
Chính quyền Washington có kinh nghiệm trong việc quản lý hoạt động của Nga trên thị trường tiền mã hóa. Đầu năm 2022, Bộ Tài chính Mỹ đã nhắm vào sàn giao dịch SUEX của Nga, cùng với 25 tổ chức có liên quan, loại sàn giao dịch trên khỏi hệ thống tài chính dùng đồng USD. Nguyên nhân được phía Mỹ đưa ra là hỗ trợ tin tặc rửa tiền. Đây là sàn giao dịch tiền mã hóa đầu tiên phải chịu án phạt nặng như vậy.
Ông Ari Redbord, cựu cố vấn cao cấp Bộ Tài chính, hiện là Giám đốc các vấn đề chính sách nhà nước tại công ty chuyên phân tích tội phạm tài chính TRM, nói rằng tổ chức của ông đã xác định được ít nhất 340 doanh nghiệp được Nga sử dụng với mục đích chuyển đổi tiền mã hóa.
Ông Redbord cho rằng bởi bề rộng của các biện pháp trừng phạt, khối lượng tiền mã hóa mà Nga cần để thay thế hàng tỷ USD bị đóng băng sẽ "khó để quy đổi thành tiền mặt".
Ông Ori Lev, người đứng đầu ban hành pháp tại Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài dưới thời Tổng thống Obama cho rằng nhìn chung: "Dù dùng biện pháp nào, tiền điện tử hay dựa vào Trung Quốc, Nga cũng khó lòng xây dựng lại hệ thống tài chính".
Chính quyền ông Biden nhận định rằng Trung Quốc sẽ không thể bù đắp được những thiệt hại từ việc mất đi đối tác từ Mỹ và Châu Âu.
Đồng thời, biện pháp cấm vận ngăn Nga tiếp cận thị trường nợ phương Tây sẽ gây thiệt hại lớn với chính quyền Moscow. Nhà Trắng khẳng định công khai rằng việc Trung Quốc giúp đỡ Nga sẽ làm ảnh hưởng tới danh tiếng lâu dài của Bắc Kinh tại châu Âu và trên toàn thế giới.
Chiều ngày 28/2, đồng rúp đã chạm đáy và người dân Nga xếp hàng tại cây ATM hàng giờ trong nỗi lo lạm phát.
Ông Lev nói: "Tôi không nắm rõ các bước để Nga có thể giảm thiểu nỗi đau từ cấm vận, nhưng chắc chắn mọi thứ không thể trở lại như ban đầu."