Giá xăng tiêu dùng tại Mỹ đã chạm ngưỡng gần 4 USD/gallon (tương đương hơn 24.000 đồng/lít). Dù là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhưng xăng thành phẩm tới tay người tiêu dùng vẫn bị tác động chung bởi giá dầu trên thị trường quốc tế.
Nhật báo phố Wall cho biết, người Mỹ đang phải trả tiền xăng đắt gấp 2 lần so với hồi trước dịch. Xăng tăng giá cũng khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng đột biến so với nhiều thập kỷ.
Người Mỹ đang phải trả tiền xăng đắt gấp 2 lần so với hồi trước dịch. (Ảnh: AP)
Trang này cho biết, nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu thụ sau dịch tăng gần tới mức trước dịch. Trong khi đó, chi tiêu cho thăm dò và khai thác dầu ở Bắc Mỹ đang thấp nhất kể từ khi dầu khí đá phiến được đưa vào khai thác.
Trang Fortune bổ sung lý do ngoại cảnh là cuộc xung đột Nga - Ukraine làm nguồn cung dầu gián đoạn. Ngoài ra, việc thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran đang bị "treo" cũng là một nhân tố. Thị trường lo rằng nếu không đạt được thỏa thuận sẽ tiếp tục dẫn tới nguồn cung sụt giảm, giá dầu sẽ còn tăng cao.
Trang Fortune cũng so sánh giá xăng của các nước. Đắt nhất hiện nay là ở các nước châu Âu như Hà Lan, Nauy, Iceland hơn 8 USD/gallon (tương đương hơn 50.000 đồng/lít).
Giá dầu tăng, dẫn tới xăng tiêu dùng tăng và giá cả các mặt hàng cũng tăng đột biến. Trước tình hình này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không còn cách nào khác là phải tăng lãi suất. Còn Chính phủ Mỹ cũng có thể phải mở kho dự trữ dầu một lần nữa.
Mở van kho dự trữ dầu quốc gia là điều Mỹ khó tránh khỏi, theo Bloomberg. Lịch sử năm 1975, Mỹ đã phải mở kho dự trữ dầu để bù lại lượng cung thiếu từ lệnh cấm vận của Saudi Arabia. Kho dầu dự trữ của Mỹ hiện có khoảng 600 triệu thùng.
Hồi tháng 11/2021, ông Biden đã mở van 50 triệu thùng cùng với 5 quốc gia khác. Giá dầu đã giảm được một vài tuần trước khi tăng lại vào tháng 1.
Trước việc giá dầu cao góp phần thổi lạm phát tăng nhanh hơn, trang Marketwatch trích ý kiến chuyên gia rằng FED cần đẩy mạnh hơn nữa việc tăng lãi suất.
Willem Buiter, Giáo sư tại Đại học Columbia cho rằng FED buộc phải từ bỏ chính sách mềm mỏng và tăng lãi suất lên mức 3,5% càng sớm càng tốt. Theo vị giáo sư này, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ở mức tối đa với thất nghiệp ở mức 4%, trong khi lạm phát đang ở mức quá cao so với mục tiêu để có thể gọi là tạm thời.
Ngày 3/3 theo giờ Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ chính thức có phiên điều trần trước Quốc hội về tác động của vấn đề địa chính trị, giá dầu lên chính sách tiền tệ của nước này thời gian tới. Việc tăng lãi suất vào tháng 3 vẫn được phố Wall dự báo là xảy ra, nhưng tăng bao nhiêu hiện vẫn chưa có dự đoán cụ thể.
VTV.vn - Giá dầu tăng phi mã, đạt mức cao nhất trong hơn 7 năm qua, do những lo ngại xung đột tại Ukraine leo thang ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.30003409020302202-hcid-court-iod-pag-tad-ym-iat-gnax-aig/et-hnik/nv.vtv