Biến phụ phẩm nông nghiệp thành món ăn
Tại tọa đàm "Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 1-3 tại TP.HCM, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, dưới góc độ người nghiên cứu thị trường thì xu hướng ăn chay của người tiêu dùng hiện nay chính là cơ hội của nông sản Việt Nam.
Những nghiên cứu thị thị trường gần đây cho thấy nhu cầu ăn chay ngày càng một nhiều hơn, không chỉ ở châu Á mà còn ở các nước phương Tây. Điều này có thể thấy thị trường thực phẩm chay rất rộng mở, đặc biệt là cơ hội cho nông sản nước ta.
"Chúng ta có lợi thế về nền nông nghiệp nhiệt đới khi nông sản và chế biến ẩm thực chay vô cùng phong phú. Ngay cả những phụ phẩm trong nông nghiệp cũng được người dân tận dụng chế biến thành các món ăn vô cùng độc đáo và đầy dinh dưỡng như củ sen, dừa, hoa chuối, đặc biệt là mít non được chế biến tương tự như thịt" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hạnh, thay vì than vãn giải cứu mít vì không xuất khẩu được thì có thể tận dụng từ hột mít luộc, mít non… thành nguyên liệu chế biến món ăn chay.
"Ngay cả gạo cũng có thể chế biến thành thực phẩm chay như cơm chay hạt sen đóng hộp của công ty Bình Loan. Thực tế đã có doanh nghiệp xuất khẩu được thịt hộp chay bằng mít non ra thị trường nước ngoài.
Do đó, việc phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm chay sẽ giúp tiêu thụ nông sản tốt thay vì nhiều đợt kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ như gần đây" - bà Hạnh nói.
Ở góc độ chuyên gia trong ngành thực phẩm, PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, ngoài xu hướng ăn thuần chay thì xu hướng ăn giảm thịt động vật, sử dụng đạm thực vật thay thế cũng là cơ hội để phát triển ngành thực phẩm chay, mà cụ thể là thịt thay thế.
Điều này mở ra thêm một cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường thực phẩm chay đầy dư địa.
"Có những nguyên liệu gia vị không được sử dụng khi chế biến món ăn thuần chay nhưng trong lĩnh vực thịt thay thế lại sử dụng được, để đáp ứng nhu cầu ăn chay khác nhau của từng người tiêu dùng" - bà Mai gợi mở.
Tuy nhiên, vị PGS này cũng nhấn mạnh để rộng mở hơn cho doanh nghiệp Việt, các đơn vị sản xuất phải xem xét từng thị trường, người tiêu dùng cần gì và xu hướng ăn uống ra sao ở từng vùng miền, lãnh thổ.
Cần năng cao giá trị dinh dưỡng của món chay
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương- Sông Hương Foods, nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ rau củ quả hiện nay rất cao.
Ông Tuấn cho biết, trong năm 2021, chỉ tính riêng dòng sản phẩm cà pháo như cà pháo muối chuối, cà pháo mắm nêm… đã đạt 30 tỉ đồng, thay vì 5-6 tỉ vào thời điểm trước khi ông tiếp quản công ty.
“Hiện chúng tôi cũng có kế hoạch tiến tới mở rộng sang dòng sản phẩm chay bên cạnh các sản phẩm đồ muối như cà pháo, dưa món... mắm các loại, bánh nậm, bánh lọc…” - ông Tuấn chia sẻ.
Mặc dù vậy, bà Hạnh cũng chỉ ra thực trạng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều trong việc quảng bá lợi ích sức khỏe của món ăn chay.
Bà lấy ví dụ: “Sản phẩm kim chi Hàn Quốc đã tăng doanh số xuất khẩu 50% trong thời gian COVID-19 nhờ truyền thông tốt về các sản phẩm lên men có thể hỗ trợ miễn dịch.
Trong khi đó, Việt Nam là thiên đường của các sản phẩm lên men như dưa cà, cà pháo, cải chua, giá chua… nhưng việc tuyên truyền về lợi ích sức khỏe chưa thực sự xứng tầm.”
Về vấn đề này, ông Quốc Tuấn cũng đồng tình: “Bản thân tôi cũng là người ăn chay trường nên tôi hiểu mấu chốt của việc lựa chọn thực phẩm là chất lượng dinh dưỡng mang lại cho cơ thể.
Cùng với việc mở rộng sản xuất, chúng tôi đã truyền thông nhiều hơn về lợi ích của món ăn, nghiên cứu bổ sung các nhóm chất dinh dưỡng, đơn cử như chúng tôi đang làm với món cà pháo hiện nay".