Bức tranh Cô gái chải đầu được bán đấu giá trên sàn Aguttes - Ảnh: AGUTTES
Trần Bình Lộc (1914 - 1941) là một họa sĩ tài năng có xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Qua đời khi mới 27 tuổi, chàng họa sĩ chưa kịp để lại nhiều dấu ấn cho nền mỹ thuật và ít được công chúng biết đến.
Phiên đấu giá Peintres d'Asie, œuvres majeures (tạm dịch: Họa sĩ châu Á, tác phẩm quan trọng) do nhà đấu giá quốc tế Aguttes tổ chức vào ngày 14-3 tới đây những tưởng sẽ vinh danh họa sĩ khi đặt tranh của ông lên bìa catalogue.
Thế nhưng, việc nhầm lẫn giữa Trần Bình Lộc và một họa sĩ khác tên Trần Tấn Lộc đã khiến những tính toán của Aguttes đi theo một hướng rất khác.
Về mặt lâu dài, các nhà đấu giá nên tìm đến tư vấn chuyên môn của các chuyên gia văn hóa, lịch sử mỹ thuật người Việt, nhất là những trường hợp liên quan đến chữ Nôm. Chuyên gia từ Trung Quốc sẽ không đọc được chữ Nôm.
Giám tuyển Ace Lê
Nhầm lẫn giữa Trần Bình Lộc và Trần Tấn Lộc
Trong 45 tác phẩm được đấu giá, tác phẩm Jeune élégante se coiffant (tạm dịch: Cô gái chải đầu) nằm ở lô 13 với mức giá ước định 80.000 - 120.000 euro (khoảng 2 - 3 tỉ đồng). Theo sàn Aguttes, bức tranh được Trần Bình Lộc sáng tác năm 1932 bằng mực và màu trên lụa.
Tuy nhiên, khi tác phẩm được công bố, nhà nghiên cứu Nhật Vương đã chỉ ra điểm bất thường trong chữ ký dưới góc trái tranh. Dựa vào những dữ liệu trước đây về chữ ký của họa sĩ Trần Bình Lộc, nhà nghiên cứu Nhật Vương cho rằng lẽ ra tác phẩm này phải thuộc về họa sĩ Trần Tấn Lộc (1906 - 1968).
Theo dịch giả Hán - Nôm Châu Hải Đường, lạc khoản chữ Nôm trên bức tranh là "Trần Tấn Lộc họa", biên thêm tựa đề "Người con gái chải đầu", và chữ đỏ viết theo lối triện là "Văn Thái" - tức họa quán Văn Thái, nơi họa sĩ Tấn Lộc công tác ở Hà Nội.
Đi xa hơn, nhà nghiên cứu Nhật Vương đã liên hệ với ông Trần Tấn Bảo - con trai họa sĩ Trần Tấn Lộc - để hỏi thêm thân thế. Theo ông Bảo, họa sĩ Trần Tấn Lộc quê ở làng Lủ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), là một họa sĩ có tiếng ở đất Hà Nội, từng vẽ tờ bạc Đông Dương và tham gia vẽ quốc huy Việt Nam.
Ông tốt nghiệp khoa trang trí Trường Bách nghệ Hà Nội, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương còn chưa thành lập; từng mở nhà hàng Mỹ thuật Văn Thái (Au Régal des Yeux), mở phòng vẽ Tấn Lộc chuyên vẽ quảng cáo. Sau năm 1954, họa sĩ làm việc tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội.
Chữ ký của hai họa sĩ Trần Tấn Lộc và Trần Bình Lộc rất khác nhau. Để thêm bằng chứng, có thể tham khảo thêm bìa sau báo Phong Hóa in năm 1934 do họa sĩ Trần Tấn Lộc vẽ minh họa. Rõ ràng chữ ký ở đây và trong bức Cô gái chải đầu là một.
Không chỉ chữ ký và dấu triện, mặt sau tác phẩm còn có tem tranh ghi Tiệm Mỹ thuật Văn Thái (Au Régal des Yeux). Điều này càng góp phần khẳng định tác phẩm trên là do họa sĩ Tấn Lộc vẽ.
Chữ ký trên bức tranh (trái) và chữ ký của họa sĩ Trần Tấn Lộc trên báo Phong Hóa (phải) là một - Ả: TỔNG HỢP
Một phép thử cho nhà đấu giá quốc tế
Đây không phải là lần duy nhất tranh của họa sĩ Trần Tấn Lộc bị ghi thành Trần Bình Lộc. Vào những năm 2010, 2017 và 2020, một số tác phẩm đã bị các nhà đấu giá danh tiếng như Lynda Trouvé, Asium, Thierry de Maigret thẩm định sai chữ ký và đưa ra đấu giá.
Chia sẻ vụ việc này lên trang cá nhân, giám tuyển Ace Lê kiến nghị các nhà đấu giá ở trên nên có động thái đính chính. Sau đó, nhà đấu giá Asium đã liên lạc với anh để thừa nhận nhầm lẫn trong việc định danh họa sĩ trong phiên đấu giá ngày 3-11-2020 và ngay lập tức đính chính thông tin lô đấu này trên website. Đây được đánh giá là một hành động cầu thị.
Trong khi đó, dù đã nhận được phản ánh rất sớm từ các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, nhưng đến ngày 1-3, nhà đấu giá Aguttes mới thay đổi tên họa sĩ vẽ bức Cô gái chải đầu là Trần Tấn Lộc, nhưng năm sinh và năm mất của tác giả vẫn bị để nhầm thành của Trần Bình Lộc.
Là người có những trao đổi trực tiếp với sàn Aguttes, nhà nghiên cứu Nhật Vương cho biết: "Họ (nhà đấu giá Aguttes - PV) đang muốn lấp liếm lỗi sai và nhận công tìm ra họa sĩ Trần Tấn Lộc về phía họ, nên tôi đang dừng cung cấp thông tin cho họ".
Sai sót trong việc thẩm định chữ ký họa sĩ Trần Bình Lộc đã diễn ra từ lâu và liên đới đến nhiều nhà đấu giá quốc tế. Sự việc lần này sẽ là phép thử cho họ không chỉ đối với công tác chuyên môn mà còn trong cách ứng xử với các bên liên quan.
Liệu nhà sưu tập có được trả lại tiền sau khi trót mua nhầm tác phẩm - tác giả không? Liệu nhà đấu giá có lên tiếng xin lỗi? Liệu các sàn đấu giá có thay đổi quy trình làm việc đối với tranh Đông Dương? Hàng loạt câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.
Song vẫn cần một cung cách xử lý chuyên nghiệp, công khai, minh bạch hơn ở các nhà đấu giá sao cho xứng hợp với tên tuổi thay vì chỉ lẳng lặng gỡ bỏ tác phẩm xuống như nhiều vụ trước đây, không kèn không trống.
Chữ ký của họa sĩ Trần Bình Lộc trong tác phẩm Những đứa em vẽ năm 1934 - Ảnh: MUTUALART
TT - Tôi không muốn nói sâu hơn về “một diện mạo khác” mà những bức tranh của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương đã vẽ về cố hương bằng chính tâm tưởng, hồi ức của họ.