Sáng nay, ngày 2-3, trao đổi với phóng viên báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về việc giảm giá cước viễn thông.
Tuy nhiên, qua trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện ba nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone, chúng tôi cùng đi đến thống nhất với giải pháp là sẽ “thu phí trọn gói”.
Mức giá chung cho gói cước viễn thông đối với các ngân hàng là 11.000 đồng/tháng đã bao gồm VAT. Đáng chú ý là chi phí này không giới hạn số tin nhắn”.
Ảnh minh họa
Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ có cơ hội được quay trở lại sử dụng dịch vụ tin nhắn thông báo số dư qua điện thoại mà không phải quá lo lắng về mức phí hàng tháng nữa.
Trong tháng 1 vừa qua, nhiều ngân hàng đã tăng phí dịch vụ tin nhắn SMS Banking. Cụ thể, thay vì mức phí 11.000 đồng/tháng như trước đây, khách hàng phải trả từ 55.000 đến hơn 82.000 đồng, tức tăng từ năm lần đến gần tám lần.
Lãnh đạo NHNN cho biết, năm 2021 giao dịch về số lượng và giá trị qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng trên 73% và gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Khi lượng giao dịch online tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải gửi tin nhắn OTP và tin nhắn thay đổi số dư nhiều hơn, đồng nghĩa với mức chi phí tin nhắn cũng tăng theo.
Hiện mức cước tin nhắn các tổ chức tín dụng phải thanh toán cho nhà mạng rất lớn. Tính sơ bộ, một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng.
Từ năm 2015 về trước, các công ty viễn thông chỉ thu phí 150-320 đồng/tin nhắn nhưng vài năm gần đây họ đẩy mức phí lên gấp 2,5-5 lần.
Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn. Trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 - 350 đồng/tin nhắn.