Rác thải y tế chất đống tại một trạm y tế ở Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý rác thải y tế cho F0 điều trị tại nhà, tuy nhiên trên thực tế, hiện nay mỗi nơi áp dụng, hướng dẫn một kiểu riêng.
Hướng dẫn nơi có nơi không
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Thảo - đang điều trị COVID-19 tại nhà ở phường Yết Kiêu, quận Hà Đông (Hà Nội) - cho biết khẩu trang, kit xét nghiệm nhanh xài xong chị cẩn thận cho vào túi riêng và buộc kín. Sau đó chị nhắn cho ban quản lý tòa nhà giờ thu gom rác, chị đặt sẵn trước cửa.
"Tôi rất sợ mọi người sơ ý rồi lây bệnh nên nhắn kỹ bảo vệ là có túi rác y tế để họ phòng tránh. Tôi hỏi bảo vệ thì biết được rác này cũng chỉ để vào thùng rác thải chung của tòa nhà chứ không để riêng, như vậy có đảm bảo không?", chị Thảo đặt câu hỏi.
Còn chị Dương Thị Huệ (phường Văn Quán, quận Hà Đông) đã mắc COVID-19 đến ngày thứ 7. Tuy nhiên gia đình chị không nhận được hướng dẫn về việc phân loại rác thải y tế. Chị Huệ chia sẻ: "Gia đình tôi 5 người thì cả 5 người đều dương tính. Tôi cũng không để ý đến rác thải y tế, chỉ có kit xét nghiệm nhanh nên tôi để chung vào rác thải sinh hoạt. Giữa trưa, tranh thủ vắng người qua lại thì tôi mang rác tập kết ở đầu ngõ".
Khi được hỏi về hướng dẫn xử lý rác cho F0 điều trị tại nhà, một cán bộ y tế phường Văn Quán hướng dẫn gia đình có F0 phải mua cồn 70 độ để phun khử khuẩn, buộc kín túi rác sau đó mang ra điểm tập kết.
Khi được hỏi: "Nhà tôi dương tính hết rồi sao ra ngoài được?", vị này trả lời: "Vậy để trong nhà, bao giờ khỏi thì mang đi"?!
Còn hỏi về việc có được hướng dẫn xử lý rác thải y tế khi điều trị tại nhà hay không, nhiều F0 cho biết không nhận được hướng dẫn cụ thể, bên cạnh đó cũng không được hỗ trợ thu gom loại rác thải này.
Số lượng F0 tăng cao, gánh nặng lên cơ sở y tế địa phương ngày càng lớn. Tại Trạm y tế phường Chương Dương đến nay đã 9/9 cán bộ y tế dương tính COVID-19, nhưng họ vẫn phải đảm bảo việc trực, "ai triệu chứng nhẹ vẫn tiếp tục đi làm", theo một cán bộ y tế phường Chương Dương chia sẻ. Vì vậy việc thu gom rác thải không thể dồn lên cơ sở y tế địa phương, mà cần có sự phối hợp của các lực lượng khác nhau.
Tại phường Chương Dương, việc phân loại rác thải cho F0 điều trị tại nhà đã được thực hiện ngay từ đầu dịch. Một cán bộ trạm y tế phường cho biết ngay khi ca F0 tại phường tăng cao, việc xử lý rác thải của các F0 điều trị tại nhà đã được Ủy ban nhân dân phường giao cho Đoàn thanh niên và lực lượng dân quân tự vệ thực hiện.
"Các bạn thanh niên tình nguyện đảm nhiệm phát các túi rác màu xanh và vàng cho các hộ dân có F0 điều trị tại nhà. Sau đó thông báo lên nhóm quản lý F0 từng khu vực về lịch thu gom rác thải, hướng dẫn mọi người phân loại rác. Sau khi thu gom, rác thải được tập kết và xử lý theo quy định", vị này nói.
Còn tại xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nơi ca F0 liên tục tăng những ngày qua, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, trưởng trạm y tế xã, cho biết hiện mỗi xã đang quản lý gần 100 F0.
"Chúng tôi hướng dẫn người dân phân loại rác thải y tế. Chủ yếu là kit xét nghiệm nhanh, khẩu trang và giấy lau mũi. Số lượng rác thải thực tế không nhiều. Đơn vị thu gom rác của địa phương sẽ thu gom, sau đó mang đến trạm y tế để tập kết. Tùy thuộc vào khối lượng rác thải, đơn vị xử lý rác thải y tế sẽ về thu gom 1 -2 tuần/lần", bà Tâm cho hay.
Không đủ lực để lập đội thu gom riêng
Tình nguyện viên thu gom rác thải y tế tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM thời điểm tháng 10-2021 - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại TP.HCM, ghi nhận tại một khu vực có nhiều nhà hẻm nằm san sát nhau, hầu hết gia đình có F0 đều thực hiện tốt việc xử lý rác thải.
“Tổ dân phố và trạm y tế phường thường xuyên hướng dẫn cho người dân kể cả những gia đình chưa có người nhiễm bệnh để có thể nắm được quy trình xử lý. Có những gia đình họ cẩn thận còn nhắc nhở người thu gom đừng mở rác ra vì gia đình có người bệnh”, bà Nguyễn Thị Thu Hà - tổ trưởng tổ dân phố 66 phường 11, quận Bình Thạnh, chia sẻ.
Theo bà Hà, thông thường những người thu gom rác sẽ phân loại rác có thể tái chế mỗi khi gom ở từng nhà, nhưng ở tổ 66, đội gom rác là tư nhân cũng là những người sống trong khu phố, nên họ biết được nhà nào đang cách ly và xử lý riêng những chất thải đó.
Bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Hòa - phó trưởng Trạm y tế phường 3, quận Phú Nhuận - cho biết từ tháng 11 năm ngoái, việc hướng dẫn xử lý rác thải đã được y tế phường triển khai rộng rãi đến người dân.
“Trạm kết hợp với phường thông tin đến người dân qua nhóm Zalo của các tổ dân phố, hướng dẫn mỗi gia đình sử dụng các túi nilông màu vàng để đựng rác thải lây nhiễm. Tùy thời điểm số ca nhiễm sẽ dao động khác nhau, không có quá nhiều nhân lực để thành lập đội thu gom riêng rác thải này nhưng các đội thu gom tư nhân hiện tại vẫn nắm được quy trình và đảm bảo phân loại an toàn với rác sinh hoạt”, bác sĩ Hòa cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có ý thức cao về phòng, chống lây nhiễm, cũng có nhiều nơi chưa thực sự nâng cao cảnh giác. Ông Đ.V.D. (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ rằng gần nhà ông có những gia đình từng cách ly điều trị COVID-19 tại nhà nhưng rác thải sinh hoạt vẫn được để chung với rác thải có nguy cơ lây nhiễm.
“Thấy nhiều người cũng ít quan tâm, để lẫn các loại rác vào với nhau hoặc đem rác ra để đó, đôi lúc có động vật đi lại cắn, xé đổ ra. Tôi nghĩ tốt nhất là những gia đình có người nhiễm nên ý thức tự phân loại riêng, đợi gần tới giờ đội thu gom rác tới thì mới đem ra”, ông D. nói.
TTO - Chất thải sinh hoạt ở phòng cách ly F0 tại nhà được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, Bộ Y tế yêu cầu cần xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý đúng, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.