CTCP Đầu tư Sản xuất và Thương mại Tiến Trường từ ngày 26/11/2021 - 23/2/2022 đã thực hiện phát hành thành công 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Mã trái phiếu là TITCH2124001.
Lô trái phiếu có giá trị rất lớn, tuy nhiên gần như không có thông tin về Tiến Trường, dù doanh nghiệp này đã hoạt động được gần 10 năm.
CTCP Đầu tư Sản xuất và Thương mại Tiến Trường được thành lập tháng 8/2012, hiện đặt trụ sở chính tại số 62, ngõ 138, phố Thuý Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật là bà Lê Hồng Nhung (SN 1983). Bà Nhung được bổ nhiệm Giám đốc từ cuối năm 2019, thay cho bà Hứa Thị Thuý (SN 1985) - người đã phụ trách điều hành Tiến Trường từ giữa năm 2015.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, ngoài vai trò đại diện theo pháp luật tại Tiến Trường, bà Lê Hồng Nhung còn là kế toán tại Công ty TNHH Vĩnh An.
Vĩnh An được thành lập ngày 4/6/2018, vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà các loại. Hơn một tháng sau khi thành lập, doanh nghiệp này có màn tăng vốn ấn tượng vào ngày 17/7/2018, tăng gấp 151 lần lên con số 3.020 tỷ đồng - ngang với vốn pháp định của một ngân hàng thương mại.
4 nhà đầu tư góp thêm 3.000 tỷ trong đợt tăng vốn này của Tiến Trường là Công ty TNHH Nguyên Phát (góp 650 tỷ đồng, tỷ lệ 21,52%), Công ty TNHH An Phú Tài (830 tỷ đồng, 27,48%), Công ty TNHH Khang An (760 tỷ đồng, 25,166%) và Công ty TNHH Dự án New (760 tỷ đồng, 25,166%).
Cả 4 pháp nhân này, theo quan sát của người viết, đều mang đậm tính chất của các SPE (Special Purpose Entity) - là các doanh nghiệp được lập ra với mục đích riêng biệt, chứ không phải vì mục tiêu sản xuất kinh doanh đơn thuần.
Ngoại trừ Khang An được thành lập ngày 30/5/2018, thì cả 3 đơn vị còn lại đều được thành lập trước thời điểm góp vốn vào Tiến Trường ít tuần, cùng ngày 4/5/2018. Tất cả đều có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, rồi nhanh chóng tăng mạnh lên 200 tỷ đồng với Khang An và Dự án New, 170 tỷ đồng với Nguyên Phát và 220 tỷ đồng với An Phú Tài.
Cả 4 pháp nhân này, dữ liệu của Người Đưa Tin cho thấy có nhiều liên hệ tới Gami Group - tập đoàn của doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
Cụ thể, ông Vũ Hồng Chinh - cổ đông nắm 50% vốn Nguyên Phát sinh năm 1976, hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Ô tô An Dân Vĩnh Phúc - một thành viên của Gami Group. Ô tô An Dân Vĩnh Phúc có một cổ đông lớn là ông Nguyễn Trường Tam với tỷ lệ 31,2%. Ông Tam, mặt khác, lại là chủ sở hữu Công ty Dự án New - cổ đông của Vĩnh An.
Trong khi đó, chủ sở hữu Công ty An Phú Tài - ông Hoàng Văn Hiền hiện còn đứng tên tại CTCP Hoàng Phúc Minh. Hoàng Phúc Minh vào tháng 8/2020 đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh tại dự án xây dựng Cụm công nghiệp Châu Giang, thị xã Duy Tiên, Hà Nam với chủ đầu tư dự án là CTCP Công nghiệp Chế tạo Ô tô Hồng Đức. Dự án có quy mô 39,69ha, tổng vốn đầu tư 475 tỷ đồng.
Ô tô Hồng Đức cũng là thành viên của Gami Group, và còn là chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô nằm trong Cụm công nghiệp Châu Giang, có công suất 50.000 xe các loại/ năm, vốn đầu tư dự kiến 2.277,4 tỷ đồng.
Bản thân công ty Vĩnh An tháng 6/2018 đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Khu 42ha thuộc Khu đô thị du lịch Thuỷ Tú tại phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng với CTCP Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp (FBS) - một trong những pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Gami Group.
Gami Group của doanh nhân gốc Đông Âu Nguyễn Tiến Dũng là tập đoàn đa ngành tại Việt Nam, hoạt động trong các mảng bất động sản, tài chính ngân hàng - chứng khoán, phân phối ô tô...
Trong lĩnh vực ngân hàng, Gami được biết đến nhiều sau khi mua lại Ngân hàng TMCP Nam Việt từ nhóm ông Đặng Thành Tâm và đổi tên thành Ngân hàng Quốc dân (NCB) như hiện nay. Năm 2021, Sungroup mua lại một phần NCB, và có đại diện là Chủ tịch HĐQT Bùi Thị Thanh Hương, thay cho chính ông Nguyễn Tiến Dũng xuống làm Phó Chủ tịch HĐQT thường trực.
Trước đó, vị thế của Gami ở NCB có thể thấy rõ qua những thương vụ hợp tác, cấp vốn tín dụng từ nhà băng cỡ nhỏ này cho các doanh nghiệp liên quan đến hệ sinh thái của đại gia Nguyễn Tiến Dũng.
Liên quan đến công ty Vĩnh An, 4 doanh nghiệp Khang An, Dự án New, Nguyên Phát và An Phú Tài đã thế chấp tất cả 3.000 tỷ đồng vốn góp trong Vĩnh An tại NCB chi nhánh Hà Nội, PGD số 10 trong tháng 7/2018, tức là chỉ ít lâu sau khi Vĩnh An và các pháp nhân này được thành lập. Ngoài ra, các cổ đông cá nhân của 4 doanh nghiệp nêu trên cũng thế chấp tổng cộng 790 tỷ đồng phần vốn góp cũng tại NCB chi nhánh Hà Nội, PGD số 10.
Đây chỉ là một trong nhiều thương vụ chứng kiến dòng vốn từ NCB chảy trong hệ sinh thái Gami Group. Bên cạnh tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp cũng là kênh huy động vốn ưa thích của nhóm chủ tập đoàn này thời gian gần đây, sẽ được Người Đưa Tin đề cập trong bài viết sau.
Hoa Liên