Tại cuộc trao đổi giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông cùng với đại diện các ngân hàng hội viên và đại diện của ba nhà mạng lớn tại Việt Nam (gồm: Viettel, VNPT, Mobifone) về việc điều chỉnh tính phí dịch vụ SMS, đã có nhiều ý kiến đề xuất cách thu phí mới, chẳng hạn như tính theo sản lượng, thay đổi phương án tính, công thức tính hay cấu trúc giá tin nhắn SMS.
Theo thống kê từ các ngân hàng, 70% lượng tin nhắn là thông báo biến động số dư, số còn lại là tin nhắn mã OTP.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã thay đổi cách thu phí SMS khiến người dùng phải bỏ ra số tiền gấp 2, 3 thậm chí 7 lần mức thu trước đây. Điều này gây bức xúc cho khách hàng, đòi hỏi ngân hàng và nhà mạng phải tìm ra hướng thu phí phù hợp hơn.
Giải thích nguyên nhân tăng giá dịch vụ, các ngân hàng cho biết do các nhà mạng đang thu phí SMS của ngân hàng cao gấp 2 đến 3 lần so với tin nhắn cá nhân.
Tại hội thảo, đại diện của 3 nhà mạng lớn cho rằng, việc áp dụng mức phí 700-800 đồng/1 tin nhắn cao hơn mức phí đối với cá nhân là do các nhà mạng phải đầu tư trang thiết bị và công nghệ, với kinh phí lớn để tăng độ bảo mật, tốc độ,… nên giá thành của tin nhắn phải cao hơn so với cá nhân sử dụng cùng loại dịch vụ.
Sau 2 năm tranh cãi về vấn đề thu phí SMS, các nhà mạng cùng các ngân hàng đã thống nhất giải pháp tính phí trọn gói 11.000 đồng/tháng để áp dụng cho khách hàng trong thời gian tới.
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Cuối cùng thì các doanh nghiệp viễn thông và các ngân hàng thương mại cũng đã thống nhất được phương án thu trọn gói 11.000 đồng/tháng đã bao gồm thuế VAT và không giới hạn số tin nhắn. Mức phí này đối với các doanh nghiệp viễn thông và các ngân hàng thương mại đã đáp ứng được xu thế hiện nay. Đồng thời nó sẽ giúp thúc đẩy người dân không ngần ngại thanh toán không dùng tiền mặt khi mà họ sẽ không phải mất thêm chi phí và trải nghiệm thì thuận lợi".
Trước đó, nhiều khách hàng cho biết nhận được thông báo Vietcombank từ năm 2022 tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000-70.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm, người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 840.000 đồng - con số lớn với người dùng cá nhân.
Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng. Từ 20 - dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng, từ 50 - dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng, từ 100 tin nhắn trở lên là 70.000 đồng/tháng.
Không chỉ riêng Vietcombank, một "ông lớn" khác là BIDV, mức phí dịch vụ SMS Banking cũng căn cứ theo số lượng tin nhắn, dao động từ 9.900-77.000 đồng/tháng.
Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng từ 0 - dưới 15 tin, BIDV thu phí 9.900 đồng/tháng. Từ 10 - dưới 50 tin, BIDV thu 33.000 đồng/tháng. Từ 51 - dưới 100 tin, thu 60.500 đồng/ tháng. Từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/ tháng. Mỗi năm, người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 924.000 đồng.
Tại Techcombank - ngân hàng tiên phong trong miễn phí dịch vụ chuyển tiền nhưng hiện tại cũng đang thu phí SMS Banking đáng kể.
Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng từ 0 - dưới 15 tin, thu phí 13.200 đồng/ tháng. Từ 16 - dưới 30 tin, thu 19.800 đồng/tháng. Từ 31 - dưới 60 tin, BIDV thu 44.000 đồng/tháng. Trên 61 tin nhắn, Techcombank sẽ thu 75.000 đồng/tháng.
Việc giá SMS Banking quá cao đã gây nên nhiều tranh cãi cũng như bức xúc đối với người dùng. Việc tất cả các nhà mạng và ngân hàng thương mại cùng đồng thuận với mức thu phí 11.000 đồng/tháng dự kiến sẽ là động lực thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai.