Người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi giá các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đều lần lượt tăng mạnh theo giá xăng dầu trong thời gian gần đây.
Buộc phải tăng giá để tránh lỗ vốn
Liên bộ Công thương - Tài chính công bố giá xăng dầu tăng kể từ 15h ngày 1.3 với tất cả các mặt hàng từ mức trên 460 đồng đến gần 547 đồng.
Mức giá cơ sở được áp dụng: giá xăng E5RON92 có giá 26.077 đồng/lít; xăng RON95-III có giá 26.834 đồng/lít; dầu diesel 0.05S có giá 21.310 đồng/lít; dầu hỏa có giá 19.978 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá 18.468 đồng/kg.
Theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga - Ukraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng. Điều này dẫn tới bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21.2 và kỳ điều hành lần này tăng khoảng 3-4%.
Việc giá xăng dầu vượt đỉnh lịch sử đã tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng.
Anh Hoàn, chủ quán bún riêu cua ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, từ khi ra Tết, cửa hàng anh được mở cửa bán tại chỗ trở lại, nhưng lại gặp khó vì giá nguyên liệu liên tục "phi mã".
"Trong thời điểm dịch, giá rau củ, nguyên liệu chế biến đã tăng nhưng đến thời gian gần đây giá đã tăng mạnh hơn khiến nhà hàng gặp khó khăn", anh nói và cho biết, các chi phí gas, giá xăng, vận chuyển, nguyên vật liệu như rau củ, thiết bị đều đồng loạt tăng từ 10-15%.
"Việc giá xăng tăng chóng mặt, các chi phí khác cũng "đội" theo, nên buộc tôi phải nâng giá bát bún riêu từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng để tránh lỗ vốn. Để khách hàng biết việc tăng giá, tránh ngỡ ngàng, chúng tôi đã dán thông báo trước cửa quán", anh Hoàn nói.
Anh Vũ Tuấn - chủ một quán ăn bình dân trên phố Đồng Bông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, trung bình mỗi tháng, quán của anh sử dụng khoảng 10 bình gas loại 12kg.
"Trước đây, tôi mua mỗi bình gas loại 12kg chỉ khoảng 400.000 đồng thì nay phải mua với giá là 502.000 đồng/bình, mỗi bình gas này đã tăng thêm khoảng hơn 100.000 đồng", anh Tuấn tính toán, đồng thời cho biết, anh phải tăng giá mỗi suất ăn khoảng 5.000 đồng.
Song song với đà tăng của xăng dầu, gas, giá nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến cước vận tải… đều tăng mạnh khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng. Nhiều cửa hàng kinh doanh các thực phẩm chế biến sẵn cũng phải tăng giá hoặc giảm phần ăn.
Nhiều mặt hàng thực phẩm cũng "đội giá"
Khảo sát tại các chợ dân sinh như Đồng Xa, Dịch Vọng, Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Phùng Khoang (Thanh Xuân)…, nhiều loại rau củ tăng đột biến.
Chiều 2.3, ghi nhận tại chợ Dịch Vọng, súp lơ có giá 20.000 đồng/cây (tăng 5.000 đồng/kg); cải canh giá 25.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg)... Thậm chí, hành lá trước giá 15.000 đồng/kg nay tăng đột biến lên 200.000 đồng/kg.
Không riêng rau xanh tăng giá, các loại thịt và hải sản cũng leo lên mức giá mới. Theo các tiểu thương, nguyên nhân tăng giá mới xăng, dầu tăng giá mạnh khiến chi phí vận chuyển đội lên.
Cụ thể, giá thịt nạc vai, ba chỉ, sườn thăn… lên tới 160.000 đồng/kg, thịt sấn cũng ở mức 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước.
Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 250-350.000 đồng/kg. Gà ta nguyên lông cũng lên 140-150 nghìn đồng/kg, tăng 10.000-20.000 đồng/kg.
Cũng không nằm ngoài sự lo lắng, các doanh nghiệp vận tải những ngày qua cũng đang "đau đầu" khi phải cân đối giá cước xe.
Mỗi ngày chạy xe khoảng 50km, trong đó có 30km là có khách với doanh thu 300.000 đồng/ngày, song tiền xăng lên tới gần 150.000 đồng, anh Trần Văn Tuấn - tài xế của hãng taxi Mai Linh - than thở "chạy xe gần như không có lãi". Thậm chí là lỗ vì giá xăng dầu đã gần chạm ngưỡng 27.000 đồng trong kỳ điều chỉnh ngày 1.3.
"Giá xăng dầu vượt đỉnh, cộng thêm các chi phí gọi đàm, phí cầu đường, khấu hao xe, những người chạy xe như chúng tôi chỉ có lỗ", anh Tuấn nói.
Còn ông Bùi Văn Hùng - chủ một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Hà Giang cho biết, doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10-20% để cân đối doanh thu.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho hay, trong bối cảnh xăng dầu tăng cao do biến động từ giá xăng dầu thế giới, Quỹ bình ổn xăng dầu lại không còn dư địa để hỗ trợ, thì Liên bộ Công Thương - Tài chính cần có động thái cân nhắc giảm các loại thuế, phí trên giá xăng dầu để hỗ trợ tăng trưởng.
Về dài hạn, nhà chức trách cần nghiên cứu lại cách thức điều hành hiệu quả quỹ bình ổn giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường tự do.