Nhà văn Nguyễn Văn Hồng (trái) và nhà văn Hoàng Thế Sinh - Ảnh: NVCC
Tiểu thuyết Cánh đồng Chum mùa hoa ban của nhà văn Hoàng Thế Sinh kể lại cuộc chiến đấu gian khổ và anh dũng của quân tình nguyện Việt Nam trong Chiến dịch Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào năm 1971-1972.
Đây là Chiến dịch phòng ngự của liên quân Việt - Lào nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm đất Lào trong mùa mưa của quân phái hữu Lào và quân đội Thái Lan, bảo vệ vùng giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Thanh Bình, Yên Hoàng, Minh Phú, Dương Minh... Họ là những người bạn học cùng lớp, ở tuổi hai mươi đã vào đội quân tình nguyện Việt Nam, lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào.
Những chiến sĩ tình nguyện trẻ tuổi còn rất hồn nhiên, ngây thơ nhưng đã vượt qua bao nhiêu gian khổ, sự khốc liệt của bom đạn, chiến đấu vô cùng anh dũng và đã chiến thắng. Và cũng chính nơi đây, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống. Họ mãi mãi tuổi hai mươi nơi Cánh Đồng Chum của đất nước Lào xa xôi.
Tiểu thuyết Cánh đồng Chum mùa hoa ban của nhà văn Hoàng Thế Sinh - Ảnh: K.B.H
Tiểu thuyết Pailin thời máu lửa của nhà văn Nguyễn Văn Hồng tái hiện sự kiện năm 1978, khi chính quyền Khmer Đỏ thực hiện chính sách thù địch chống nhà nước Việt Nam và tàn sát dân Campuchia.
Những người cách mạng chân chính Campuchia đã phải chạy sang Việt Nam lánh nạn và thành lập "Mặt Trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia", khẩn thiết yêu cầu Việt Nam giúp đỡ.
Quân đội Việt Nam đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia chiến đấu dưới ngọn cờ "Liên minh Việt Nam - Campuchia" đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pôt. Ngày 7-1-1979, chế độ Pôn Pôt sụp đổ.
Tiểu thuyết Pailin thời máu lửa của nhà văn Nguyễn Văn Hồng - Ảnh: K.B.H
Trong tiểu thuyết Pailin thời máu lửa, tác giả đã kể lại câu chuyện về Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia chống lại tàn quân Pôn Pôt, bảo vệ thị trấn Pailin.
Cuộc chiến đấu vô cùng cam go, ác liệt diễn ra xung quanh thị trấn Pailin. Trong mười năm ấy đã có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ngã xuống, thị trấn Pailin vẫn được giữ vững cho đến ngày quân tình nguyện Việt Nam rút về nước.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng nổ khó kiểm soát, Hội nhà văn Lào quyết định sẽ tổ chức Lễ trao giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 12 theo hình thức trực tuyến, dự kiến vào cuối quý I hoặc đầu quý II - 2022.
Năm 2021 Hội Nhà văn Lào là đơn vị chủ nhà tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học sông Mekong lần thứ 12. Đây là Giải thưởng văn học thường niên của 6 nước trong khu vực sông Mekong bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Giải thưởng văn học này nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác, đoàn kết và phát triển văn học. giữa các nước tiểu vùng sông Mekong.
TTO - Về giải Nobel văn chương, trang web của giải Nobel nêu rõ 'những người đủ tư cách đề cử nhưng không nhận được thư mời cũng có thể gửi đề cử'. Điều này có nghĩa thư mời không phải là điều kiện bắt buộc.