Hải cẩu Weddell có thể lặn sâu bên dưới những lớp băng ở Nam Cực - Ảnh: GETTY IMAGES
Các nhà nghiên cứu Nhật đã trang bị cho 8 con hải cẩu Weddell mỗi con một thiết bị giám sát nặng 580 gram (20,45 ounce) trên đầu để khảo sát vùng nước dưới lớp băng dày ở Nam Cực.
Bộ thiết bị này gồm ăng ten và hàng loạt cảm biến, cho phép các nhà khoa học thu thập dữ liệu trong quá trình hải cẩu di chuyển.
Những thông số mà nhóm nghiên cứu cần đến là nhiệt độ nước, nồng độ muối… ở những vùng biển bên dưới lớp băng ở Nam Cực, đặc biệt là một số khu vực khắc nghiệt con người không thể đến trực tiếp.
Hải cẩu Weddell được xem là những "thợ lặn" giỏi ở khu vực Nam Cực. Chúng dành phần lớn thời gian bên dưới những lớp băng ở những vùng nước lạnh có lượng thức ăn dồi dào.
Nhà khoa học Nobuo Kokubun, trưởng nhóm dự án, cho biết nghiên cứu như vậy giúp các nhà khoa học hình dung được hệ sinh thái và hành vi của các sinh vật biển bên dưới những lớp băng ở Nam Cực.
"Vào mùa hè chúng tôi có thể đến Nam Cực trên tàu phá băng đến tận nơi nghiên cứu. Nhưng khi mùa đông, nhiều nơi chúng tôi không thể tiếp cận", Kokubun nói.
Những thông tin do hải cẩu thu thập được đánh giá hữu ích cho nhóm nghiên cứu - Ảnh: GETTY IMAGES
Vì vậy từ năm 2017, nhóm của Kokubun đã sử dụng "biệt đội" hải cẩu như những "cộng tác viên" đến thực địa cho những nghiên cứu của mình.
"Biệt đội" hải cẩu cũng đã mang về nhiều thông tin thú vị trong những chuyến hải trình của chúng.
Có con đã di chuyển đến 633km trong mùa đông, xuất phát từ trạm Showa của Nhật ở Nam Cực. Một con khác đã lặn sâu đến 700m, cho các nhà khoa học nhiều hình ảnh quý giá về đời sống bên dưới các lớp băng.
Kokubun cho biết dữ liệu thu thập được cũng cho thấy nước biển ấm từ những vùng biển khác đã di chuyển đến Nam Cực ngày một nhiều hơn.
Đó là tín hiệu đáng lo cho các lớp băng ở Nam Cực nhưng với hải cẩu Weddell có thể lại là tin vui khi nguồn thức ăn trôi theo dòng nước ấm về nơi chúng sinh sống sẽ nhiều hơn.
Một số con hải cẩu trong "biệt đội" có thể di chuyển hơn 600km trong suốt mùa đông - Ảnh: GETTY IMAGES
Để kiểm tra thêm tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với các khu vực ven biển Nam Cực, Kokubun và nhóm sẽ tiếp tục thiết kết những loại thiết bị nhỏ để "nhờ" một số loại động vật khác thu thập thông tin.
"Biệt đội" tiếp theo có thể là chim cánh cụt. Ông Kokubun cho biết chim cánh cụt thường tập trung tại Nam Cực theo bầy đàn nên sẽ thuận lợi cho các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu một cách nhanh chóng.
TTO - Từ lâu đã có giả thuyết cho rằng cá mập trắng cắn người là do nhầm lẫn. Nghiên cứu mới ở Úc cho thấy điều này thực sự có thể xảy ra.
Xem thêm: mth.24843824120302202-cuc-man-o-ueil-ud-paht-uht-uac-iah-iod-teib/nv.ertiout