Trong lịch sử, Mỹ từng cấm vận xuất khẩu dầu mỏ để vây hãm kinh tế Iran. Tuy nhiên, khi căng thẳng Nga - Ukraine liên tục leo thang, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh châu Âu vẫn không thể ra đòn trực tiếp này đối với Nga.
Các nhà lãnh đạo này hiểu rằng, động thái đó có thể khiến ông Putin cân nhắc lại chiến dịch quân sự, nhưng cũng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng làm tê liệt nền kinh tế Âu - Mỹ, đe dọa quyền lực của chính họ và thậm chí có thể làm giàu cho Nga.
"Chính quyền của tôi đang sử dụng mọi công cụ để bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp Mỹ khỏi giá xăng tăng", ông Biden phát biểu ngày 24/2. Khi ấy, ông tiết lộ rằng các lệnh trừng phạt mới nhất được thiết kế đặc biệt để cho phép Nga tiếp tục dòng chảy năng lượng.
Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba và nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Mỹ đứng đầu cả hai. Nhiên liệu hóa thạch đóng góp 36% ngân sách cho Moskva vào năm 2021, tương đương 119 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu này đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Moskva và nhiều khách hàng, đặc biệt là châu Âu. Họ phụ thuộc 40% khí đốt tự nhiên và một phần tư dầu thô từ Nga.
Về phía mình, Mỹ chỉ nhập 1% dầu thô từ Nga năm 2020 nên sẽ không ảnh hưởng về nguồn cung nếu cấm vận Nga. Tuy nhiên, vấn đề là giá dầu của Mỹ gắn chặt với giá chuẩn toàn cầu, nên sẽ tăng cao nếu không có nguồn cung từ Nga.
Điều bất lợi hơn là giá năng lượng toàn cầu đã tăng mạnh trong năm qua. Ngành dầu khí từng phải thắt chặt tài chính khi nhu cầu giảm do Covid-19. Và khi nhu cầu bùng nổ lại thì thị trường thiếu cung. Điều đó đặc biệt khắc nghiệt ở châu Âu - nơi một hộ gia đình trung bình có thể nhận hóa đơn điện và khí đốt cao hơn một phần ba trong năm nay - lên 2.100 USD.
Người Mỹ cũng đang cảm thấy bị ảnh hưởng. Giá xăng ở Mỹ tăng gần một USD mỗi gallon so với năm ngoái. Đảng Cộng hòa vì thế chỉ trích Biden là chính sách về biến đổi khí hậu của ông đang đe dọa túi tiền của người dân. Vì vậy, Nhà Trắng nhận thức sâu sắc những rủi ro chính trị và kinh tế nếu động đến chuyện buôn bán dầu của Nga.
"Chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì gây ra sự gián đoạn ngoài ý muốn đối với dòng chảy năng lượng, vì quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn đang diễn ra. Đây là một lĩnh vực mà Nga có lợi thế hệ thống trong nền kinh tế toàn cầu", Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh cho biết.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Nga và Iran là quy mô lớn của ngành dầu khí Nga. Nga xuất khẩu 5 triệu thùng dầu mỗi ngày năm 2020 - gấp đôi mức đỉnh của Iran trước khi lệnh trừng phạt được chính quyền Trump tái áp đặt. Nga còn xuất xưởng 2 - 3 triệu thùng mỗi ngày các sản phẩm dầu mỏ tinh chế như dầu diesel, nhiên liệu máy bay và xăng.
Việc chặn dòng chảy đó có thể khiến giá một thùng dầu thô toàn cầu tăng thêm 40 USD từ mức quanh 100 USD hiện tại. Mức tăng đột biến như vậy sẽ khiến giá của mọi thứ, từ nhiên liệu vận chuyển đến thực phẩm, vọt lên cao, gây ra bất ổn trong dân chúng.
"Mỹ và EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt sâu rộng, nhưng sẽ không ngăn cản xuất khẩu năng lượng của Nga, vì điều đó sẽ gây ra suy thoái ở châu Âu", công ty nghiên cứu đầu tư BCA Research đánh giá, "Các nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ mất quyền lực trong những năm tới nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện".
Ben Cahill - thành viên cấp cao tại chương trình năng lượng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng thay vào đó, Mỹ và châu Âu đang nhắm đến việc ngăn chặn khả năng chuyển đổi nền kinh tế của Nga khỏi dầu khí. Cách này nhằm triệt tiêu khả năng Nga tham gia vào thế hệ sản xuất năng lượng tiếp theo.
"Họ sẽ ngăn Nga đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến, chủ yếu là về lĩnh vực quốc phòng, nhưng cũng có khả năng là hydro và các tham vọng năng lượng lâu dài hơn. Điều này ít rủi ro hơn là trực tiếp chạy theo năng lượng", Cahill nói.
Vì sao Mỹ không tăng bơm dầu và khí đốt ra thị trường để thay Nga, rồi cấm vận họ?
Sự bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ 15 năm qua đã biến nước này thành cường quốc năng lượng của thế giới. Ngành năng lượng nước này đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để quảng bá sản phẩm của mình.
"Mỹ có thể làm nghiêng cán cân quyền lực ở châu Âu bằng cách tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu lục này, giúp giảm sự phụ thuộc hàng thập kỷ của các đồng minh của chúng ta vào khí đốt tự nhiên của Nga - và lấp các lỗ hổng kinh tế, chính trị và quân sự đi kèm với nó", Anne Bradbury, người đứng đầu Hội đồng Khai phá & Sản xuất Mỹ, bình luận.
Dòng nhiên liệu từ các công ty Mỹ đến châu Âu đã tăng vọt kể từ mùa thu, do chính quyền Biden thúc giục. Nhưng ngay cả khi đã nhận những lô hàng bổ sung, EU hôm 24/2 vẫn tăng mua khí đốt tự nhiên từ Gazprom của Nga.
Việc Mỹ tăng lượng khí đốt đến châu Âu có thể giúp bù đắp sức mạnh của Nga trong dài hạn, nhưng vẫn quá muộn để tác động đến tình hình hiện nay. Việc thúc đẩy xuất khẩu không chỉ đòi hỏi phải xây dựng thêm cơ sở hạ tầng - mất nhiều năm và rất nhiều tiền - mà còn phải có thêm các nhà ga để tiếp nhận tại các cảng vốn đã tắc nghẽn của châu Âu.
Theo nhà phân tích năng lượng John Kemp của Reuters, sản lượng dầu của Mỹ đang phục hồi nhanh chóng sau những đợt cắt giảm trong năm đầu tiên của đại dịch, thêm trung bình 630.000 thùng mỗi ngày vào năm ngoái và dự kiến tăng ít nhất bằng số đó trong năm nay. Công ty quản lý tài sản DWS Group dự báo sản lượng dầu của Mỹ tăng 800.000 thùng mỗi ngày vào cuối năm nay, đủ để khiến giá dầu thô Brent giảm đáng kể.
Tuy nhiên, để thay thế được Nga, Mỹ sẽ phải tăng tốc độ sản xuất hiện là 12 triệu thùng mỗi ngày lên gần 50%. Việc này dù có khả thi cũng phải mất nhiều năm, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bill Cassidy của Louisiana thừa nhận. "Các lựa chọn bị hạn chế trong ngắn hạn. Lượng vốn đầu tư lớn cần thiết để phát triển các nguồn năng lượng không thể có được nhanh chóng", Cassidy nói.
Loại bỏ hoàn toàn việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hạn chế sức mạnh kinh tế của Nga liệu có khả thi với Mỹ và châu Âu?
Theo Thượng nghị sĩ Martin Heinrich, Mỹ nên phản ứng với giá năng lượng tăng cao do Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine "bằng cách giảm sự phụ thuộc quá mức vào các mặt hàng nhiên liệu hóa thạch".
Trên thực tế, đây là điệp khúc được nhắc ngày càng nhiều ở châu Âu, đặc biệt là Đức, quốc gia có chính phủ mới đang muốn giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên. Đức cũng đã ngừng dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 gần hoàn thành vào tuần trước để đáp trả hành động của Nga.
Về lâu dài, những nỗ lực đó có thể sẽ thành công. Các nước ít nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu đã và đang dẫn đầu theo hướng đó. Việc đẩy giá dầu xuống là một trong những vũ khí lớn nhất mà phương Tây có thể sử dụng để chống lại Nga. Một số nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm giá dầu toàn cầu vào những năm 1980 phần nào khiến Liên Xô tan rã năm 1991.
Tuy nhiên, cũng như nhiên liệu hóa thạch, việc tăng cường năng lượng gió, mặt trời hoặc hydro đòi hỏi các khoản đầu tư lớn để phát triển nguyên liệu thô, vượt qua các rào cản hậu cần. Đây là quá trình đang được tiến hành nhưng sẽ mất nhiều năm. Mỹ và Châu Âu đã đạt được những bước tiến trong việc mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo của họ. Tuy nhiên, muốn có thêm các tuabin, tấm pin mặt trời và pin thì cần thêm nhiều lithium và các khoáng chất quan trọng khác mà hiện tại không khai thác được với số lượng lớn.
Muốn làm điều này, Âu - Mỹ phải khai thác thêm nhiều mỏ hoặc phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung nước ngoài. Pierre Noël, Học giả nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho biết trên thực tế, việc xóa bỏ lợi thế về năng lượng của Nga sẽ cần nhiều năm. Các quốc gia khác nhau sẽ lựa chọn các dạng năng lượng khác nhau.
Pháp có thể sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực điện hạt nhân, trong khi những nước khác có thể chọn hydro hoặc khí tự nhiên từ các nguồn cung ngoài Nga. "Bạn cần phải làm cả hai nhưng hãy làm một cách có chiến lược và làm theo thời gian. Đó là một dự án kéo dài một thập kỷ chứ không phải kéo dài một năm", Noël nói.
Phiên An (theo Politico)