Thi công nền đường cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 là 1 trong 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 - Ảnh: TRẦN HUY HÙNG
Đó là nội dung chính trong kết luận chung của hội nghị triển khai công tác nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông, vừa được Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải thông báo.
Trước đó, ngày 18-2, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hội nghị triển khai công tác nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành, trường đại học, chuyên gia.
Theo kết luận, tại hội nghị đại diện các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia đánh giá nhu cầu sử dụng cát dùng để đắp nền đường các dự án xây dựng đường cao tốc hiện nay là rất lớn.
Đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2022 - 2025 sẽ đồng loạt triển khai 4 dự án đường cao tốc với nhu cầu sử dụng khoảng 36 triệu m3 cát đắp nền.
Nếu sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác tại An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Các mỏ này có trữ lượng khoảng 5,6 triệu m3, sản lượng khai thác khoảng 1,9 triệu m3/năm.
Trong các giải pháp khả thi tìm kiếm vật liệu thay thế cát sông, phương án nghiên cứu sử dụng cát biển hoặc cát nhiễm mặn thi công nền đường là rất lớn và có tính dài hạn, đặc biệt quan trọng, cần thiết với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn về nghiệm thu dự án đường ôtô quy định không được sử dụng "đất lẫn các thành phần muối dễ hòa tan quá 5%". Trong khi đó, cát biển chứa một lượng nhất định muối hòa tan. Vì vậy, sử dụng cát biển làm nền đường, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, điều kiện thủy văn khiến muối có thể cuốn theo dòng nước ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, cây trồng, cuộc sống khu dân cư quanh dự án...
Hội nghị cũng nhận định các nghiên cứu trên thế giới đánh giá cát biển thường tròn, đều hạt nên khi dùng đắp nền đường sẽ khó lu lèn và khó đảm bảo tính ổn định lâu dài của nền đường khi chịu tác động của tải trọng động, nhất là trong điều kiện bị ngập nước.
Vì vậy, trên thế giới hiện nay, nhìn chung không sử dụng độc lập cát biển để xây dựng nền đường. Nếu sử dụng thường phải được xử lý ổn định (bằng xi măng, trộn với đá dăm hoặc các vật liệu tương đương…).
Để triển khai sớm việc nghiên cứu, đề xuất sử dụng cát biển đắp nền đường trong các dự án đường cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan đơn vị cần tổng hợp các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước thời gian vừa qua.
Từ đó đánh giá, đề xuất các nội dung kỹ thuật cần phải giải quyết để đưa ra đầy đủ các giải pháp thiết kế, kỹ thuật công nghệ vật liệu đến thi công nền đường bằng cát biển, cát nhiễm mặn.
Đồng thời, tập trung triển khai xác định ngay các đoạn tuyến thí điểm ngoài hiện trường các dự án (ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các cấp đường khác nhau).
TTO - Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Giao thông vận tải cùng nghiên cứu, đề xuất sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp nền đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Xem thêm: mth.64984941220302202-cot-oac-gnoud-nen-mal-neib-tac-gnud-ceiv-yk-aig-hnad-meid-iht-nac/nv.ertiout