Sau nhiều năm tổ chức các chiến dịch "giải cứu nông sản", cách đây 1 năm rưỡi, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch FoodBank Việt Nam, đã lập dự án Food Network với kỳ vọng kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản một cách căn cơ, hướng đến thị trường nội địa, sau đó mới xuất khẩu. Dự án vừa nhận được cam kết rót vốn 300.000 USD từ những nhà đầu tư "thiên thần".
Đầu tư bài bản
Ông Nguyễn Tuấn Khởi cho hay dự án gồm 2 cấu phần là Food Connect và Wefarmer. Trong đó, Food Connect là nền tảng mua trước bao tiêu dành cho người tiêu dùng và người kinh doanh, tập trung vào ngành nông nghiệp ở Việt Nam; còn Wefarmer là một mạng xã hội dành cho nông dân.
"Nhìn chung, nông dân hiện vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi hệ sinh thái hỗ trợ tiêu thụ nông sản như kho bãi, logistics vẫn chưa phát triển, còn rời rạc, khó ứng dụng. Cần thiết phải đào tạo để nâng cao năng lực sản xuất bài bản, chuyên nghiệp cho nông dân. Về phía thị trường, người tiêu dùng hiện có nhiều lựa chọn, nhất là khi nông sản ngoại nhập có giá rẻ và phong phú khiến việc cạnh tranh không dễ dàng. Tuy vậy, Việt Nam có rất nhiều nông sản ngon, chỉ cần chịu khó đầu tư thì vẫn có chỗ đứng trên thị trường" - ông Khởi nhìn nhận.
Nông sản, thực phẩm đạt chuẩn xuất khẩu được trưng bày tại Trung tâm Trưng bày và Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, doanh số tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp tại thị trường nội địa năm ngoái chỉ chiếm 5% tổng doanh số. Với thời gian tích lũy đầu tư và khả năng cung cấp được hàng vào một số chuỗi siêu thị, ông Tùng hy vọng năm nay doanh số tại thị trường trong nước sẽ tăng gấp 2-3 lần năm 2021.
"Qua mấy năm gầy dựng, thương hiệu trái cây Vina T&T tiêu chuẩn xuất khẩu đã được người tiêu dùng biết đến. Vào những ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm, rất nhiều đơn vị đặt hàng số lượng lớn để biếu tặng" - ông Tùng hào hứng.
Cũng theo ông Tùng, trước đây kênh tiêu thụ nội địa của thương hiệu trái cây Vina T&T chủ yếu tập trung ở chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp với chi phí cao nên không hiệu quả. Khi sản lượng cung cấp ra thị trường nội địa lớn hơn giúp giá thành hạ xuống thì việc "đánh" thị trường sân nhà mới hiệu quả. "Muốn khai thác thị trường nội địa, cần có sự đầu tư dài hạn" - ông Tùng đúc kết.
Liên kết để cùng phát triển
Mới đây, Hội Sản phẩm Nông nghiệp sạch TP HCM (CAPA) ra mắt Trung tâm Trưng bày và Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tại 79 Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận, TP HCM). Nơi đây quy tụ gần 100 mặt hàng nông sản tươi và chế biến như: gạo, trái cây, cà phê, trà, sâm Ngọc Linh, nước mắm, tương ớt…, trong đó có nhiều mặt hàng đang được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Với vai trò Phó Chủ tịch CAPA, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết đây là mô hình liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong ngành để cùng nhau phát triển. Trung tâm hướng tới nhóm khách hàng mua sỉ như siêu thị, cửa hàng thực phẩm... Bên mua có thể liên hệ, đàm phán giá trực tiếp với nhà sản xuất thông qua thông tin trên danh thiếp của nhà sản xuất được đặt tại mỗi gian hàng hoặc nhờ trung tâm làm trung gian thu mua.
"HTX, doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn theo quy định của các thị trường đều có thể mang hàng đến trung tâm để trưng bày, tìm kiếm khách hàng mới" - ông Tùng thông tin.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nhìn nhận để nông sản Việt Nam phát triển bền vững, cần chuẩn hóa từ khâu sản xuất đến khâu phân phối.
"Người tiêu dùng Việt cần được sử dụng trái cây chất lượng cao. Năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp các cơ quan liên quan phát động phong trào người tiêu dùng Việt ưu tiên dùng nông sản Việt trong khuôn khổ chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" - ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Tại một sự kiện của ngành rau quả diễn ra đầu năm nay, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết Việt Nam có hơn 1 triệu ha trồng cây ăn quả với sản lượng khoảng 10 triệu tấn/năm. Cục Trồng trọt được giao nhiệm vụ quản trị toàn bộ vùng trồng cây ăn quả cả nước nhằm bảo đảm nguyên tắc tuân thủy quy định an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Theo đó, cục này sẽ cấp mã số quản lý cho các vùng trồng phục vụ thị trường nội địa thay vì chỉ các vùng trồng xuất khẩu mới được cấp mã số quản lý như trước đây. "Tôi mong không chỉ DN mà chủ các vựa, chành, thương lái cũng quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân. Nông dân cũng là người tiêu dùng và tất cả đều cần nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm" - ông Lê Thanh Tùng bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 2-3, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết cục đã xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng; lấy ý kiến 63 tỉnh, thành và đang chờ lãnh đạo Bộ NN-PTNT xem xét ký, ban hành. Dự kiến, việc cấp mã số vùng trồng sẽ giao về các tỉnh, thành thực hiện.
Khó khai thác kênh phân phối truyền thống
Ông Đặng Bá Long, Giám đốc điều hành Công ty CP Ong mật TP HCM (Behonex), cho biết sản phẩm mật ong thương hiệu Behonex đã xuất hiện trên kệ siêu thị Saigon Co.op hơn 20 năm qua. Trong khi đó, việc đưa sản phẩm vào kênh truyền thống như chợ, tạp hóa rất khó bởi người nuôi ong thường khai thác trực tiếp kênh bán hàng này và vẫn được người tiêu dùng tin tưởng. "Trong tương lai, khi người tiêu dùng đòi hỏi cao về chất lượng, quy trình kiểm soát thì thị phần mật ong tiêu thụ qua kênh truyền thống sẽ tăng" - ông Long kỳ vọng.
Xem thêm: mth.90861711220302202-ahn-nas-ev-gnouh-ion-nas-gnon/et-hnik/nv.moc.dln