Ảnh hưởng từ căng thẳng giữa Nga – Ukraine khiến "cơn bão" giá hàng hoá cơ bản ngày càng tăng cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt cổ phiếu liên quan đến giá hàng hoá bật tăng dựng đứng trong khi nhiều nhóm ngành dẫn dắt kém sáng.
Cổ phiếu PMP Công ty cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ là một trong những cổ phiếu gây chú ý nhất trong thời gian gần đây. Cụ thể, PMP đã có 7 phiên liên tiếp tăng trần lên mức 30.000 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng 3/3. Tính riêng trong 2 tuần giao dịch gần nhất, mã này đã tăng gấp đôi giá trị.
Đi kèm với đà tăng của điểm số, thanh khoản của PMP cũng được cải thiện đáng kể. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh của mã này trong những phiên gần đây lên đến hàng chục nghìn đơn vị, trong khi trước đó chỉ vỏn vẹn vài trăm cổ phiếu khớp lệnh trong phiên.
Không chỉ PMP, diễn biến tích cực này lan toả trong cả nhóm phân bón khi đồng loạt tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo đó, cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí cũng tăng 30% lên 60.600 đồng/cp chỉ sau nửa tháng, đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử niêm yết. Ngoài ra, hàng loat cổ phiếu phân bón như DCM, DDV, PSW cũng duy trì đà tăng ấn tượng trong những phiên giao dịch vừa qua.
Sự bứt phá của nhóm cổ phiếu này đến từ những lo ngại ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo đó, phân bón sẽ là ngành hưởng lợi lớn khi động thái cấm xuất khẩu Ammonium nitrate của Nga mới đây có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu vốn đang ở mức cao kỷ lục sẽ tiếp tục tăng thêm.
Theo tìm hiểu, Bao Bì Đạm Phú Mỹ tiền thân là Nhà máy Sản xuất bao bì Hương Phong có chủ sở hữu là Tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu, được thành lập từ ngày 1/10/2004. Đến năm 2015, cổ phiếu PMP của Công ty cổ phần Bao bì Đạm Phú Mỹ chính thức niêm yết trên HNX với giá 17.500 đồng/cp.
Về cơ cấu cổ đông, Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí – CTCP (mã DPM) là cổ đông lớn nhất khi nắm 43,3% vốn của doanh nghiệp. Cổ đông lớn thứ hai là Công ty TNHH Hương Phong khi sở hữu gần 1,7 triệu cổ phiếu PMP, tương đương 40% vốn. Số cổ phần còn lại là do một số cổ đông cá nhân nắm giữ.
Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là sản xuất sản phẩm từ Plastic, cụ thể là sản xuất các sản phẩm bao bì pp, PK, PE. Bên cạnh đó, PMP còn mua bán phân bón các loại và mua bán nguyên vật liệu để sản xuất bao bì.
Xét về tình hình kinh doanh của Bao Bì Đạm Phú Mỹ không có gì nổi bật, thậm chí có phần sụt giảm trong những năm gần đây.
Trong giai đoạn năm 2014-2017 có lẽ là giai đoạn khởi sắc nhất của doanh nghiệp khi ghi nhận lợi nhuận đều đặn trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến năm 2019 lợi nhuận của PMP giảm mạnh tới 54,7% xuống còn 3,9 tỷ đồng do giá bán một số mặt hàng giảm sâu, trong khi chi phí đầu vào tăng do điều chỉnh chi phí bảo hiểm xã hội theo quy định mới.
Năm 2021, Bao bì Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 592 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước. Chi phí giá vốn cũng tăng mạnh, doanh nghiệp báo lãi gộp tăng 33% lên 56 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, PMP báo lãi sau thuế đạt 6,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ. Tuy ghi nhận tăng trưởng nhẹ, song khoản lãi ghi nhận khá khiêm tốn so với mức doanh thu hàng trăm tỷ thu được.
Tính riêng quý 4, doanh nghiệp đạt doanh số 177 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí giá vốn cùng các chi phí khác tăng cao khiến doanh nghiệp báo lãi sau thuế giảm 14% xuống 1,8 tỷ đồng.
Tổng tài sản đến cuối tháng 12/2021 ở mức 255 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 73%, chủ yếu là hàng tồn kho với gần 98 tỷ đồng.
https://cafef.vn/mot-co-phieu-tang-gap-doi-sau-2-tuan-ong-lon-nganh-phan-bon-la-co-dong-lon-nhat-20220303131205786.chnTheo Minh Minh
Nhịp Sống Kinh tế