Mối quan hệ thâm tình
Nhận thức bẽ bàng bắt đầu len lỏi vào tâm trí các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi họ đánh giá môi trường quốc tế mới, khắc nghiệt hơn trước. Các quan chức ở Washington nhận ra rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc mà từ lâu họ xem nhẹ hoặc coi thường lại có tiềm năng định hình lại chính trị toàn cầu.
Các sự kiện ngay trước cuộc tiến công của Nga vào Ukraine khiến Washington phải đánh giá lại vấn đề. Đầu tháng 2, khi Mỹ cảnh báo về nguy cơ Nga sắp động binh, Tổng thống Putin đã đến thăm Chủ tịch Tập Cận Bình tại Olympic Mùa đông ở Bắc Kinh. Trong chuyến thăm, chính phủ Nga và Trung Quốc ra tuyên bố chung ca ngợi mối quan hệ đối tác "không có vùng cấm".
Một quan chức Mỹ cấp cao đánh giá tài liệu này có vẻ như là lời kêu gọi Nga và Trung Quốc thiết lập phạm vi ảnh hưởng ở các khu vực tương ứng. Ông John Kirby, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng tuyên bố chung thể hiệu "sự ủng hộ ngầm" của Trung Quốc đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Với hy vọng Trung Quốc có thể thuyết phục ông Putin thận trọng, quan chức Mỹ đã chia sẻ với Trung Quốc thông tin tình báo về việc Nga triển khai quân đội.
Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết trong chuỗi các cuộc họp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington và các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, quan chức Mỹ đã diễn giải chi tiết kế hoạch của Nga và cảnh báo về hậu quả đến an ninh toàn cầu.
Nhưng phía Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ rằng ông Putin sẽ thực sự động binh. Tệ hơn, nguồn tin của Bloomberg nói rằng Trung Quốc đã chia sẻ cuộc trao đổi ngoại giao bí mật với Nga, cảnh báo Mỹ đang cố gắng gây chia rẽ giữa hai nước.
Người thân cận với ông Biden cho biết Tổng thống Mỹ rất tức giận trước thái độ của Trung Quốc. Một quan chức cấp cao nói rằng rõ rằng liên tiếp các chính quyền Mỹ đã đánh giá thấp mức độ sâu sắc của mối quan hệ giữa ông Putin và ông Tập, hai người đều có sự bất bình về vị thế của Mỹ trên thế giới.
Kết luận rút ra là chính phủ Mỹ sẽ cần phải bắt đầu nghĩ cách đáp trả cả Nga và Trung Quốc giữa một loạt thách thức toàn cầu.
Ông David Shullman, cựu sĩ quan tình báo khu vực Đông Á tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, nói rằng quan hệ đối tác của Nga và Trung Quốc giờ đây sẽ ảnh hưởng đến năng lực của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề bao gồm an ninh Đông Á và châu Âu, bảo vệ dân chủ và hệ thống tài chính toàn cầu.
"Mỹ sẽ đối mặt với thách thức lớn trong tất cả những lĩnh vực đó sau khi Nga tiến quân vào Ukraine. Mỗi thách thức sẽ càng trở nên khó khăn hơn bởi sự gắn bó Nga - Trung ngày càng sâu sắc trong bối cảnh Nga bị quốc tế cô lập".
Hai nước đã tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác sau khi Nga bị xa lánh vì sáp nhập bán đảo Crimea. Theo Bloomberg, Bắc Kinh đồng cảm với Moscow vì cũng chịu áp lực kinh tế từ Mỹ.
Tháng 10/2019, ông Putin tuyên bố Moscow sẽ giúp Trung Quốc phát triển hệ thống cảnh báo sớm để chống lại tấn công tên lửa. Tháng 2/2021, Ngoại trưởng Vương Nghị công khai kêu gọi sự hợp tác trong mọi lĩnh vực giữa Trung Quốc và Nga. Đến tháng 10, hai nước tổ chức tập trận hải quân chung trên Biển Nhật Bản.
Trung Quốc được gì, mất gì khi bắt tay Nga?
Căng thẳng vẫn tồn tại trong quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc. Quan chức Mỹ tin rằng nhiều quan chức Trung Quốc dưới quyền ông Tập có sự nghi ngại sâu sắc về xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Trung Quốc đã bắt đầu công khai kêu gọi Nga cần thận trọng. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, ông Vương Nghị chia sẻ rằng ông "cực kỳ lo lắng" về tổn hại đối với dân thường.
Sự chần chừ của Trung Quốc có thể phản ánh rằng nước này có nhiều thứ để mất trong cuộc khủng hoảng. Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để thuyết phục giới tinh hoa châu Âu rằng họ không phải e dè từ sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Nhưng tuyên bố trên có khả năng bị phá hoại bởi sự ủng hộ ngầm cho hành động của Nga.
Quan trọng hơn, Trung Quốc thường ủng hộ chủ quyền của một đất nước trong các vấn đề quốc tế, một phần để giúp giảm bớt những chỉ trích về các chính sách nội bộ của chính mình. Trên phương diện này, chiến dịch quân sự của ông Putin đe dọa gây hại đến nguyên tắc của Trung Quốc.
Các ưu tiên của ông Tập trong năm nay chủ yếu tập trung ở nước nhà. Nhiều nhà quan sát dự đoán ông Tập đang củng cố quyền lực để tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa. Rõ rằng ông không muốn khủng hoảng ở nước ngoài gây xao nhãng cho nỗ lực này.
Về phía Nga, có khả năng ông Putin sẽ thấy khó chịu trong mối quan hệ đặt ông ở chiếu dưới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc chiếm 17,3% GDP toàn cầu vào năm 2020, trong khi Nga chỉ chiếm 1,7%.
Sự mất cân bằng lớn đến vậy có thể khiến Trung Quốc đòi Nga đáp lại sự giúp đỡ theo những cách khiến Moscow không thoải mái - về các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan và Biển Đông.
Nga cũng đặt nhiều kỳ vọng vào mối quan hệ đối tác: Nga sẽ cần sự giúp đỡ để vượt qua các lệnh trừng phạt ở những lĩnh vực mà Bắc Kinh không muốn cung cấp sự hỗ trợ.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình châu Á tại German Marshall Fund, dự đoán: "Từ nay Nga sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự phụ thuộc này sẽ mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy mà họ có thể sử dụng để đảm bảo sự hậu thuẫn của Nga cho các tham vọng khu vực và toàn cầu".
Giữa Nga với Trung Quốc, không bên nào có nghĩa vụ chính thức phải giúp đỡ bên kia, vì cả hai không ký hiệp ước phòng thủ song phương. Mức độ hỗ trợ của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào đánh giá của ông Tập về kết quả khả dĩ của chiến sự tại Ukraine.
Bà Glaser nhận xét: "Có thể ông Tập sẽ kết luận rằng đứng về phía Nga gây ra những phí tổn không lường trước được – đó sẽ là kết cục đáng mừng. Nhưng nếu ông Tập kết luận rằng củng cố quan hệ với Nga là quyết định đúng và dồn sức cho quyết định này thì từ Mỹ và các đồng minh đối mặt sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong tương lai".
Xem thêm: mth.7450704130302202-ym-ohc-og-meid-court-oab-couq-gnurt-av-agn-auig-naht-hnit/nv.zibmanteiv