Sáng sớm chủ nhật, 20/8/1989, cơ quan pháp y thành phố London nhận điện của cảnh sát thông báo có thảm hoạ chìm tài trên sông Thames: "Không rõ sẽ có bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ rất nhiều thi thể cần nhận dạng".
Chiếc du thuyền đã chìm ở đâu đó phía nam thành phố và các thi thể vẫn đang được trục vớt. Một trung sĩ cảnh sát lớn tuổi tiến lại chào các bác sĩ pháp y, trầm giọng nói: "Tôi làm cảnh sát 30 năm rồi, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ thấy điều gì như thế này. Tất cả đều là thanh thiếu niên. Đã có 25 người chết".
Ở phía sau, một khu vực đã được chỉ định làm nhà xác tạm thời. Sàn bê tông của nó gần như bị bao phủ bởi các túi xác. Tất cả nằm lộ thiên và trong mỗi cái đều có một thi thể. Có vẻ tất cả nạn nhân đều đang dự tiệc, họ mặc đồ chỉn chu, nhiều màu sắc tươi sáng.
Dần dần, sự thật về thảm họa trên sông Thames lộ ra. Vào đêm mùa hè êm đềm năm 1989, Bowbelle, một tàu thác sỏi khổng lồ đã va chạm trên sông Thames với một chiếc du thuyền nhỏ có tên Marchioness, nơi một đám đông thanh niên đang tổ chức tiệc tùng.
Ban đầu, Bowbelle đâm vào Marchioness nhỏ ở phía sau bên mạn phải. Điều này khiến con thuyền lắc lư và lật nghiêng. Mỏ neo của tàu khai thác sỏi đã cắt ngang qua boong du thuyền và đẩy nó sang mạn phải khiến lật nhào.
Cơ hội thoát hiểm của hành khách bị cản trở bởi tốc độ lớn của vòng quay đột ngột, đồ đạc lỏng lẻo, bóng tối, nước đục, lạnh, thiếu lối thoát hiểm khẩn cấp. Để thoát ra ngoài, họ cần phải có sức mạnh và cứ thế dần kiệt sức.
Vào cuối ngày, cảnh sát xác định có 151 người trên Marchioness, trong đó 65 đã chết và mất tích
Từ đây, công việc khôi phục nhận dạng của các nạn nhân được thực hiện. Một cơ thể chết đuối hoặc bị ngâm trong nước sẽ có làn da mờ đục và có nếp nhăn. Bất cứ ai đã ở quá lâu trong bồn tắm sẽ có ý tưởng về điều này trông như thế nào. Các lớp sừng dày ở ngón tay, lòng bàn tay và lòng bàn chân trở nên sần sùi và da nhăn nheo, trắng bệch, bất kể chủng tộc. Sau một vài ngày, nếu cơ thể vẫn ở trong nước, lớp da có vảy này sẽ bắt đầu tách ra cuối cùng sẽ bong ra.
Marchioness bị chìm lúc 2h sáng 20/8/1989. Trong quản lý thảm họa hàng loạt, nhận dạng sai là nỗi sợ hãi lớn nhất. Đặc biệt là nếu một gia đình nào đó nghi ngờ có thể đã chôn nhầm thi thể. Ngày nay, các nhà pháp y có thêm lựa chọn phân tích ADN, nhưng phương pháp này chưa thể áp dụng khi vụ chìm tàu Marchioness xảy ra.
Hai phương tiện an toàn nhất vẫn là dấu vân tay và so sánh răng với hồ sơ nha khoa. Vấn đề với hồ sơ nha khoa là phải biết tên của người mất tích trước khi tìm kiếm nha sĩ của họ, và chỉ khi biết tên của nha sĩ đó mới có thể yêu cầu hồ sơ. Điều đó rõ ràng sẽ mất nhiều thời gian.
Nhiều người thân của các nạn nhân Marchiones nghĩ việc nhận dạng dễ dàng nên đòi vào nhà xác và cho rằng có thể tìm thấy ngay người nhà.
Nhưng trong các thảm họa hàng loạt, nhận dạng bằng mắt thường là không đáng tin cậy, đặc biệt là khi tử vong do chấn thương hay bị ngâm trong nước. "Nếu không có sự sống, biểu hiện trên khuôn mặt hay cử động, thì cơ thể chúng ta có thể trông rất khác", một bác sĩ trong đội pháp y giải thích và cho hay trên hực tế, nhiều người khi đang bị căng thẳng quá mức sẽ rất dễ thể nhận nhầm người thân.
Cảnh sát quyết định, việc lấy dấu vân tay của từng thi thể là điều cần thiết. Khi danh sách những người bị nghi là mất tích đã được tổng hợp, cảnh sát đã được phái đến từng nhà thu thập các vật dụng cá nhân có thể tìm thấy dấu vân tay. Từ đây đối chiếu xem có khớp với những dấu vân tay được lấy trong nhà xác hay không.
Ngày hôm sau, đội pháp y quay lại nhà xác bắt đầu quá trình nhận dạng và khám nghiệm tử thi chuyên sâu. Đó là một tuần cực kỳ căng thẳng. "Nhìn thấy rất nhiều người trẻ tuổi ở đây không chỉ là bất thường mà còn bị sốc", một bác sĩ nói.
Các thi thể được đặt lần lượt trên sáu chiếc bàn trong phòng khám nghiệm tử thi và họ lần lượt làm các phần việc chuyên môn của mình.
Đến cuối ngày, các thi thể bắt đầu phân huỷ, da bị thấm nước rơi ra khỏi ngón tay, gây rất nhiều khó khăn trong việc lấy vân tay. Nhà chức trách phải sử dụng một kỹ thuật chuyên môn và thiết bị phức tạp hơn, chỉ có ở phòng thí nghiệm chuyên dùng của họ ở Southwark. Theo đó, với thi thể không thể lấy dấu vân tay tại nhà xác, các bác sĩ cắt rời bàn tay để đưa về phòng thí nghiệm ở Southwark. Bàn tay sau đó được đưa trở lại cơ thể bằng cách khâu lại, thậm chí không thể nhìn thấy các vết khâu. Tổng 25 đôi tay được cắt rời.
Nhiều năm sau thảm kịch, câu chuyện vẫn tiếp tục. Nỗi đau của thân nhân không bao giờ có thể kết thúc, và nỗi đau chuyển sang tức giận. Họ tức giận khi biết rằng chủ nhân của tàu Bowbelle đã uống rất nhiều rượu vào buổi chiều trước khi thảm họa xảy ra.
Nhưng các chuyên gia cho biết về cơ bản, ông ta đã "ngủ một giấc dài" nên cáo buộc gây tai nạn do say rượu là chưa đủ căn cứ. Hai bồi thẩm đoàn đã không đưa ra được phán quyết về tội ác của chủ tàu Bowbelle, và nỗ lực truy tố thất bại.
Nhưng quyết định này làm cho thân nhân người đã khuất thêm đau đớn. Họ muốn một cuộc điều tra đầy đủ và công khai.
Sự tức giận của họ được thúc đẩy bởi phát hiện gần đây về thủ thuật của các nhà pháp y, rằng bàn tay của nhiều nạn nhân đã được cắt rời để xác định danh tính. Những người thân nghi ngờ rằng đây là lý do duy nhất khiến họ bị từ chối tiếp cận và nhận dạng thi thể ngay tại nhà xác.
Mọi người lúc này đều hướng sự tức giận của mình về phía bác sĩ pháp y. Việc giải thích theo góc độ hình sự pháp y không có ích gì. Ảnh của bác sĩ Paul Knapman, nhà nghiên cứu bệnh học của Westminster, Trưởng nhóm pháp y, liên tục xuất hiện cùng với các bài báo buộc tội hoặc mỉa mai. Điện thoại riêng của ông réo chuông liên hồi bởi những kẻ gọi đến chửi rủa, còn trước nhà luôn đông nghịt phóng viên.
Người thân của các nạn nhân kiên quyết theo đuổi vụ án trong 11 năm.
Năm 2001, các báo cáo cuối cùng về thảm họa Marchioness được công bố. Trưởng công tố thành phố tổ chức một cuộc điều tra chính thức về thảm họa du thuyền Marchioness, từ khâu vận hành đến những công tác cứu hộ, trục vớt, nhận dạng thi thể.
Các thuyền trưởng bị chỉ trích vì sau vụ va chạm đã không phát đi cuộc gọi cứu hộ, cũng không triển khai phao cứu sinh hoặc bè cứu sinh. Hai chủ tàu phải chịu trách nhiệm về vụ va chạm vì đã không hướng dẫn, giám sát đúng cách cho thuyền trưởng và thủy thủ đoàn.
Vì không có sai nào quá cá nhân có thể được xác định là nguyên nhân duy nhất của vụ va chạm nên việc buộc tội ngộ sát cho một vài người là không có căn cứ. Lỗi được xác định "do tập thể".
Luật Anh không quy định bồi thường cho các tai nạn chết người, ngoài chi phí tang lễ. Các yêu cầu dân sự đòi bồi thường đã được đưa ra bởi các gia đình nạn nhân, với số tiền nhận từ 3.000 đến 190.000 bảng Anh.
Một báo cáo thứ hai đã chỉ trích nặng nề, bác sĩ Paul Knapman, nhà nghiên cứu bệnh học của Westminster về quyết định loại bỏ bàn tay của 25 nạn nhân để nhận dạng dấu vân tay, nói rằng điều này "đáng lẽ không nên xảy ra". Song các các bác sĩ pháp y đã được miễn tội cho sai sót đã được thực hiện.
Một số thành viên gia đình của các nạn nhân kêu gọi bác sĩ Knapman từ chức và tuyên bố sẽ kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ nếu không có hành động chống lại ông. Tuy nhiên, ông Knapman tiếp tục làm điều tra viên cho London và Westminster trong 11 năm nữa và tham gia giải quyết nhiều vụ án cấp cao.
Hải Thư (Theo The Guardian)
Xem thêm: lmth.0693344-neyuht-ud-mihc-aoh-maht-uas-iac-hnart-yag-gnad-nahn-couc/ten.sserpxenv