Trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, cộng đồng quốc tế thời gian qua đã nỗ lực giúp hai bên tìm tiếng nói chung và giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại. Ngoài các đòn trừng phạt áp lên Nga được đánh giá là tương đối nặng, phương Tây vẫn kiềm chế có thêm bước đi có thể khiến tình hình leo thang tới mức nguy hiểm hơn.
Đại hội đồng LHQ yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine
Hãng tin Reuters cho biết trong phiên làm việc cuối cùng về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hôm 2-3, Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết kêu gọi Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên, đạt tỉ lệ đồng thuận 73%. Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, còn năm nước bỏ phiếu chống là Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga.
“Thông điệp của ĐHĐ đã rõ: Nga phải chấm dứt những hành động thù địch ở Ukraine ngay lập tức. Nước này phải ngừng bắn, mở cửa cho đối thoại và ngoại giao ngay lúc này. Toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine phải được tôn trọng theo đúng Hiến chương LHQ” - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định. Ông Guterres cảnh báo rằng hiện không còn nhiều thời gian nữa vì tác động của cuộc chiến đã quá rõ ràng. Tình hình người dân Ukraine đang rất nguy cấp và còn có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nếu chiến sự kéo dài.
Về mặt pháp lý, nghị quyết của ĐHĐ LHQ không mang tính ràng buộc thực thi, tuy nhiên nó có ý nghĩa quan trọng khi thể hiện sự nhất trí, sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xung đột.
Phiên làm việc về tình hình xung đột Nga - Ukraine của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 3-3. Ảnh: REUTERS
Phản ứng trước quyết định nói trên, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc các nước phương Tây gây sức ép lên các thành viên ĐHĐ để thông qua nghị quyết. Ông khẳng định quyết định này không khác gì đổ thêm dầu vào lửa và tái khẳng định mục đích của Nga khi can thiệp vào Ukraine nhằm chấm dứt các cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào dân thường tại miền Đông Ukraine, đồng thời tố cáo các lực lượng Ukraine đưa vũ khí hạng nặng đến khu vực dân sự.
Thông báo của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings ngày 3-3 cho hay cơ quan này đã hạ xếp hạng chỉ số vỡ nợ ngoại tệ trong dài hạn của Nga từ mức “BBB” xuống mức “B”. Áp lực trừng phạt quốc tế được cảnh báo có thể đe dọa đối với sự ổn định tài chính vĩ mô và có thể làm suy yếu khả năng sẵn sàng thanh toán nợ công của nước này. |
Phương Tây kiềm chế tăng sức ép quân sự lên Nga
Mới đây nhất, đài RT cho biết chính quyền Mỹ hôm 2-3 đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 22 công ty quốc phòng Nga và mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã được áp dụng trước đó đối với Nga và cả Belarus. Theo đó, Mỹ sẽ mở rộng thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng công nghệ hỗ trợ lọc dầu để trừng phạt Nga và Belarus vì đã “tạo điều kiện cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin” được diễn ra.
Nhà Trắng giải thích thêm việc mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là để “ngăn chặn sự chuyển hướng các mặt hàng, công nghệ và phần mềm từ Belarus sang Nga”, lý giải rằng động thái này sẽ “hạn chế” Nga và Belarus trong việc “ủng hộ chiến dịch quân sự của họ chống lại Ukraine”.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 2-3 cũng thông báo ngừng tất cả dự án đang tiến hành ở Belarus và Nga; quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Hãng tin AFP cho biết WB hiện có 11 dự án tại Belarus, triển khai trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng, giáo dục đến giao thông vận tải và ứng phó với dịch COVID-19, tổng giá trị 1,2 tỉ USD. Tại Nga, ngân hàng này đang thực hiện bốn dự án, chủ yếu về các vấn đề chính sách, với kinh phí 370 triệu USD. Quyết định được đưa ra một ngày sau khi các lãnh đạo của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đang gấp rút cung cấp thêm nhiều tỉ USD tài trợ cho Ukraine trong thời gian tới.
Dù áp lực trên lĩnh vực kinh tế - tài chính đè lên Nga đang lớn dần theo thời gian, ở lĩnh vực quân sự nhạy cảm thì các nước phương Tây vẫn có những sự kiềm chế cần thiết để tránh làm khủng hoảng leo thang hơn. Đơn cử, Lầu Năm Góc hôm 2-3 thông báo hoãn kế hoạch thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để chứng tỏ rằng quân đội Mỹ “không có ý định can dự vào bất kỳ hành động nào có thể gây ra hiểu lầm hoặc suy diễn sai”, theo Reuters.
Ngày trước đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố rằng NATO không cần thiết phải báo động hạt nhân, tức tăng mức cảnh báo lực lượng hạt nhân của khối, để đáp trả hành động của Nga. Ngày 28-2, Nga đặt các lực lượng hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển vào tình trạng báo động cao trước “những luận điệu từ phương Tây” liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.•
Trung Quốc tuyên bố sẽ không tham gia trừng phạt Nga Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2-3, Chủ tịch Ủy ban Giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc Quách Thụ Thanh khẳng định quan điểm của Bắc Kinh đến nay vẫn là phản đối và sẽ không tham gia vào các biện pháp trừng phạt kinh tế - tài chính mà phương Tây nhắm vào Nga vì chúng mang tính áp đặt đơn phương lại không giải quyết được vấn đề, theo đài CNBC. “Chúng tôi sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt như vậy, hơn thế chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì trao đổi kinh tế thương mại và tài chính bình thường với các bên liên quan. Về tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế và tài chính của Trung Quốc, hiện tại dường như vẫn chưa quá rõ ràng, vẫn cần quan sát thêm nhưng nhìn chung sẽ không có nhiều tác động trong tương lai” - ông Quách cho biết. |