Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua tấm biển yêu cầu mọi người đeo khẩu trang tại một cửa hàng ở TP Los Angeles, bang California (Mỹ) vào ngày 2-3-2022 - Ảnh: AFP
Chính phủ Mỹ yêu cầu thêm 22,5 tỉ USD để đối phó COVID-19
Ngày 3-3, các quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng đang yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp khẩn số tiền 22,5 tỉ USD để đối phó đại dịch COVID-19, sau khi gần như toàn bộ số tiền dành cho việc đối phó dịch bệnh này đã được sử dụng hết.
Theo Hãng tin AFP, số tiền được các nhà lập pháp Mỹ thông qua trước đây - trong đó có Kế hoạch Giải cứu Mỹ trị giá 1.900 tỉ USD - đã cạn kiệt. Các sáng kiến chẳng hạn xét nghiệm COVID-19 miễn phí sẽ kết thúc vào mùa xuân này nếu không có thêm tiền.
Bà Shalanda Young, quyền giám đốc của Cục Quản lý hành chính và ngân sách (cơ quan trong nội các Mỹ), đã đưa ra yêu cầu nói trên trong bức thư gửi đến Quốc hội Mỹ.
"Các nguồn lực từ những dự luật phản ứng với COVID-19 trước đây đã cho phép chúng tôi tiêm vắc xin đầy đủ cho hơn 215 triệu người Mỹ, thực hiện 1 tỉ xét nghiệm miễn phí cho người Mỹ, đặt mua 20 triệu viên thuốc điều trị COVID-19... và cam kết tài trợ 1,2 tỉ liều vắc xin cho thế giới.
Những nguồn lực này cũng cho phép chúng tôi phản ứng mạnh mẽ với tình trạng gia tăng số ca mắc biến thể Delta và Omicron. Tuy nhiên, hiện tại gần như tất cả các khoản tiền này đã được sử dụng" - bà Young cho biết ngày 3-3.
Trong số 22,5 tỉ USD trong yêu cầu nói trên, khoảng 4 tỉ USD sẽ dành cho các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Số còn lại sẽ được Bộ Y tế Mỹ chi cho việc xét nghiệm, thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng và các nghiên cứu vắc xin mới.
Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang thương lượng về một gói viện trợ lớn hơn, mà họ hy vọng sẽ lồng vào đó thỏa thuận cấp tiền cho chính phủ trong khoảng thời gian còn lại của năm tài chính. Tiền để vận hành các cơ quan liên bang Mỹ sẽ hết vào ngày 11-3, và các lãnh đạo đảng tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ hy vọng dự luật sẽ được thông qua trước ngày đó.
Hàn Quốc bầu cử tổng thống giữa dịch
Ngày 4-3, Hàn Quốc đã bắt đầu bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống nước này giữa bóng đen COVID-19. Hãng tin Reuters cho biết có tới 1 triệu người mắc COVID-19 dự kiến sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.
Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia, các nhân viên bầu cử đã được trang bị các thiết bị bảo hộ, trong đó có quần áo bảo hộ toàn thân và kính bảo hộ. Cử tri sẽ xịt thuốc khử trùng tay và đeo găng tay trước khi bỏ phiếu.
Với hơn 800.000 người mắc COVID-19 đang được điều trị tại nhà và gần 800 người đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện, chính phủ và các quan chức y tế Hàn Quốc đã tìm cách tạo điều kiện cho các cử tri mắc COVID-19 đi bỏ phiếu, trong đó có việc sửa đổi luật bầu cử vào tháng trước.
Những người bị nhiễm bệnh hoặc đang trong diện cách ly có thể đi bộ hoặc đi taxi, xe cứu thương do các văn phòng địa phương cung cấp để đến được các điểm bỏ phiếu. Họ sẽ bỏ phiếu trong các gian cách ly và trong khung thời gian bỏ phiếu riêng.
Hàn Quốc đã thành công trong việc kiểm soát các đợt bùng phát dịch trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện tại sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã khiến Hàn Quốc liên tiếp phá các kỷ lục về ca nhiễm. Theo Hãng tin Yonhap, ngày 3-3, lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận hơn 240.000 ca nhiễm mới trong ngày.
Một số thông tin đáng chú ý khác về COVID-19 thế giới sáng 4-3:
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết thuốc Molnupiravir - thuốc trị COVID-19 của hãng dược Merck - nên được sử dụng bởi những người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ nhưng có nguy cơ nhập viện cao, chẳng hạn người cao tuổi hoặc người chưa tiêm phòng.
- Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết vào ngày 14-3 tới, Pháp sẽ chấm dứt hầu hết biện pháp hạn chế phòng ngừa COVID-19 và hủy bỏ thẻ thông hành vắc xin để đi ăn bên ngoài hoặc tham dự các sự kiện văn hóa.
- Ngày 3-3, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết hơn 90% dân số Mỹ đang sống trong các khu vực có mức độ COVID-19 đủ thấp để mọi người không cần đeo khẩu trang.
TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe tâm thần, với các trường hợp lo âu và trầm cảm trên toàn cầu tăng hơn 25%. Mỹ công bố chiến lược sống trong bình thường mới.