Theo Medical News Today, các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford, Vương quốc Anh gần đây đã công bố kết quả của một nghiên cứu lớn nhằm điều tra tác động của mức độ tiêu thụ thịt khác nhau đối với khả năng phát triển ung thư.
Nghiên cứu cho thấy, những người ăn chay, thuần chay và những người ăn ít thịt có thể làm giảm nguy cơ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Các tác giả của nghiên cứu đã phân tích số liệu thống kê về các trường hợp ung thư nói chung và cũng xem xét kỹ ảnh hưởng của việc ăn thịt đối với ba loại ung thư phổ biến nhất: ung thư vú sau mãn kinh, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng.
Một nghiên cứu gần đây đã xác định mối liên quan giữa việc ăn ít thịt và giảm nguy cơ ung thư. Ảnh: NHẬT LINH
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 472.377 cá nhân trong cơ sở dữ liệu Biobank của Vương quốc Anh trong khoảng thời gian trung bình là 11,4 năm. Không ai trong số những người tham gia được chẩn đoán ung thư vào đầu giai đoạn nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã chia nhóm nghiên cứu thành bốn nhóm:
- Những người ăn thịt cho biết họ ăn thịt đã qua chế biến, thịt gia cầm hoặc thịt đỏ - bao gồm thịt bò, thịt lợn và thịt cừu nhiều hơn 5 lần mỗi tuần.
- Những người ăn ít thịt đã ăn cùng một loại thực phẩm nhưng tối đa là 5 lần mỗi tuần.
- Những người ăn cá, những người ăn cá nhưng không ăn thịt.
- Những người ăn chay và thuần chay, không ăn thịt và cá.
Theo Medical News Today, dữ liệu cho thấy nhóm ăn chay và ăn thuần chay có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn 14% so với các nhóm còn lại. Những người tham gia ăn thịt 5 lần hoặc ít hơn mỗi tuần có nguy cơ phát triển ung thư thấp hơn 2%, trong khi những người ăn cá nhưng không ăn thịt có nguy cơ thấp hơn 10%.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét một số loại ung thư cụ thể và phát hiện ra rằng nam giới theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 31% (những người chỉ ăn cá vẫn giảm 20% nguy cơ). Ngoài ra, những người ăn ít thịt ( ăn thịt 5 lần hoặc ít hơn) mỗi tuần có nguy cơ phát triển bệnh thấp hơn 9%.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng phụ nữ sau mãn kinh theo chế độ ăn chay có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn 18%, điều mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể liên quan đến những người ăn chay thường có chỉ số cơ thể (BMI) thấp hơn.
Tác giả chính của nghiên cứu là Cody Watling, chỉ ra rằng: “Có sự khác biệt về chỉ số BMI theo nhóm ăn kiêng và chỉ số BMI cao hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư cao hơn”.
Hiện tại, Watling đề nghị: "Các khuyến nghị của tôi dành cho các cá nhân là hạn chế ăn thịt đỏ và thịt đã qua chế biến trong chế độ ăn uống và tiêu thụ một chế độ ăn giàu ngũ cốc, trái cây, rau và đậu trong khi duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh."