Bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội cho biết, đã tiếp nhận thông tin và chỉ đạo, giao Thanh tra Sở Y tế và Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân vào cuộc kiểm tra làm rõ.
Còn ông Trần Thanh Long – Phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, đã nắm được thông tin báo đăng về việc bán “chui” thuốc điều trị Covid-19 trên địa bàn quận và đã chỉ đạo Phòng Y tế, lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc làm rõ và sẽ thông tin sau khi có kết quả.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết đã nhận được ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo quận về vấn đề này. Đồng thời khẳng định sẽ phối hợp với Quản lý thị trường thành lập đoàn nghiệp vụ để vào cuộc làm rõ những vấn đề Báo nêu.
Ông Tuấn cũng cảm ơn đến Báo đã cung cấp thông tin để quận vào cuộc và quản lý tốt hơn. Người đứng đầu ngành Y tế quận Nam Từ Liêm cho hay, tất cả các loại thuốc chưa được Bộ Y tế cho phép lưu hành đều là loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đều bị cấm sử dụng.
“Tât cả các loại thuốc đều phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì mới được kinh doanh. Còn các loại thuốc bắt buộc phải kê đơn thì phải có đơn từ bác sĩ thì nhà thuốc mới được bán cho người dân, đặc biệt các loại thuốc điều trị Covid-19”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Khi phóng viên đề cập đến loại thuốc Movfor Molnupiravir Capsules 200 mg của Ấn Độ mà Báo CATP đề cập trong bài được nhà thuốc Hưng Gia trên đường Lưu Hữu Phước tư vấn bán cho khách điều trị Covid-19, ông Tuấn nói rằng hiện tại có 2 loại được Bộ Y tế cấp cho các sở Y tế để cấp cho người dân, không bán trên thị trường.
“Như vậy là thuốc trôi nổi, không có nguồn gốc. Người ta cứ rao bán tràn lan là bị cấm”, ông Tuấn khẳng định thêm.
Theo ông Tuấn, hiện Bộ Y tế mới cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước.
Cụ thể, thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.
Thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Ông Lưu Ngọc Hà, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, đã nắm thông tin Báo phản ánh về nhà thuốc Thanh Nga bán thuốc trị Covid-19 trôi nổi và chỉ đạo các đơn vị liên quan trực tiếp kiểm tra làm rõ khi có thông tin cụ thể sẽ phản hồi lại.
Cụ thể, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội.
Sở Y tế yêu cầu, với các cơ sở kinh doanh thuốc phải tuân thủ quy định về “Thực hành tốt bảo quản thuốc” GSP, “Thực hành tốt phân phối thuốc” GDP, “Thực hành tốt bán lẻ thuốc” GPP, thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn. Chỉ bán thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc Covid-19 có đơn thuốc đúng quy định, tư vấn nguy cơ – lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc và cập nhật ngay dữ liệu xuất nhập vào hệ thống dược Quốc gia.
“Tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và đẩy giá thuốc tăng cao. Sở Y tế giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc”, văn bản nói.
Đồng thời, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế và các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường…kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá thuốc và kinh doanh thuốc có chứa hoạt chất Molnupiravir tại các nhà thuốc trên địa bàn quản lý.