Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19 các năm 2014 - 2018 và Nghị quyết số 02 các năm 2019 - 2021).
Nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết 02 vào đầu năm mới (ngày 10/1/2022) như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cơ quan tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị quyết này.
Nghị quyết 02 - “Chìa khóa” phục hồi và phát triển kinh tế
NĐT: Bà đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết 02 trong thời gian vừa qua?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ năm 2019 đến nay, đổi thành Nghị quyết số 02. Qua 8 năm Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, chúng ta đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trên bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam có mức độ cải thiện về điểm số và thứ hạng rất tốt. Đặc biệt như chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu, chỉ số về đổi mới sáng tạo hay một số chỉ số liên quan đến ngành.
Cụ thể là: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc - UN) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; Phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016; An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018.
Điều này để thấy nỗ lực cải cách thể chế của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Trong một số lĩnh vực cụ thể thì có thể nói, Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 02 thì dấu ấn của cải cách chính là cải cách về điều kiện kinh doanh.
Trong giai đoạn 2017 – 2019, đã có khoảng 40 văn bản chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến nội dung này. Rõ ràng để thấy, khó có một đợt cải cách nào có quy mô ở mức độ nhanh và lớn đến như vậy.
Và cho đến năm 2019, 50% số điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, và từ con số khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh từ năm 2017, đến nay chỉ còn khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh. Điều này để thấy rất nhiều điều kiện đã được dỡ bỏ. Những điều kiện kinh doanh chung chung hay khó tiên lượng, hay gây sự tuỳ ý cho doanh nghiệp đã được gỡ bỏ khá nhiều.
Một điểm tích cực nữa là cú hích từ Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 02 chính là cải cách về quản lý và thẩm tra chuyên ngành. Trước đây chúng ta gặp tình trạng ách tắc về giao thông ở cửa khẩu rất là lớn và gây nên sự lãng phí vô cùng lớn cho doanh nghiệp.
Trong quá trình cải cách đến nay, những áp lực đối với doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng tại cảng đã được giảm đi rất nhiều. Đấy là dấu ấn lớn trong thời gian vừa qua mà chúng ta đã đạt được. Ngoài ra, trong từng lĩnh vực cụ thể Chính phủ đã có những thành công nhất định, như lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, tiết kiệm điện năng đã có những cải cách rất lớn được doanh nghiệp đánh giá cao.
Bên cạnh đó còn nhiều lĩnh vực khác nữa đều có sự chuyển biến như lĩnh vực cung cấp dịch vụ công. Hiện nay nhiều dịch vụ công đã thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
NĐT: Vậy bước sang giai đoạn mới này thì cần tập trung vào vấn đề gì để có thể thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Sang đến năm 2022, là bước sang nhiệm kỳ mới của Chính phủ cũng như thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, tầm nhìn 2030. Tinh thần là sẽ tiếp nối các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 trước đây. Tuy nhiên thì sẽ hướng tới một số nhóm giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất là cải cách về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Chúng ta đã tính đến việc cải cách về gốc rễ ngành nghề kinh doanh có điều kiện - khi mà chúng ta cắt giảm dần, loại bớt những danh mục đó, thì rõ ràng không còn điều kiện kinh doanh và cũng không còn thủ tục hành chính kèm theo nữa.
Nhóm giải pháp trọng tâm thứ hai mà Chính phủ chú trọng tới đó là về quyền tài sản. Trong thời gian vừa qua, các tổ chức thế giới xếp hạng chỉ số quyền tài sản của Việt nam ở vị trí rất thấp, nhiều năm chúng ta không được ghi nhận cải cách này. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá rằng không có sự chuyển biến lĩnh vực này trong thời gian vừa qua.
Chính vì vậy, nếu như quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp không được bảo đảm thì ảnh hưởng rất lớn đến quyết định kinh doanh của họ cũng như khả năng thu hút đầu tư. Vì thế mà tới đây, Chính phủ sẽ tập trung vào cải cách về đăng kí tài sản.
Nội dung trọng tâm thứ 3 mà Chính phủ chú trọng là cắt giảm rủi ro và chi phí trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Đó chính là những nhóm giải pháp được Chính phủ chú trọng trong năm 2022.
Doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh thuận lợi hơn
NĐT: Năm nay, nền kinh tế của chúng ta hướng đến cụm từ “phục hồi”. Bên cạnh những biện pháp về tài chính thì sẽ cần rất nhiều các biện pháp phi tài chính, và cải cách môi trường kinh doanh chính là trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp. Bà đánh giá như thế nào về trợ lực này và tầm quan trọng của nó đối với sự phục hồi của nền kinh tế?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Tôi cho rằng, giải pháp về môi trường kinh doanh là giải pháp quan trọng nhất. Nếu như chúng ta có những hỗ trợ tài chính, sử dụng ngân sách để doanh nghiệp phục hồi thời gian ngắn hạn thì việc cải thiện môi trường kinh doanh lại là giải pháp phi tài chính mang tính dài hạn.
Chúng ta không cần sử dụng đến ngân sách mà vẫn tạo được lực đẩy rất lớn cho doanh nghiệp. Và những giải pháp về môi trường kinh doanh nó mang tính dài hạn, giúp cho doanh nghiệp đầu tư phát triển trong lâu dài chứ không chỉ thực hiện phục hồi qua giai đoạn ngắn hạn.
Mặt khác, đối với cải cách tiền lương trong kinh doanh, chúng ta cần phải nhìn thấy các cơ hội từ việc thu hút các luồng đầu tư mới. Một khi môi trường kinh doanh thuận lợi, nó sẽ thúc đẩy thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng, tạo ra được sức lan toả rất lớn cũng như sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Điều mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng chính là dỡ bỏ được những rào cản, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển. Ở đây, dỡ bỏ rào cản tức là giảm được chi phí, giảm được rủi ro, tạo sự an toàn cho doanh nghiệp phục hồi.
NĐT: Bà vừa nói cải cách môi trường kinh doanh chính là trợ lực lớn để phục hồi kinh tế. Vậy lực cản của trợ lực này là gì, thưa bà?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Lực cản của trợ lực này chính là sự cố níu giữ quyền lực quản lý ở trong các bộ quản lý chuyên ngành, các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong một chừng mực nào đó, sự kháng cự của các cơ quan soạn thảo văn bản là rất lớn, đồng thời trong quá trình thực thi, tình trạng giữa thực tế và văn bản còn cách biệt quá lớn. Muốn trợ lực thực sự đạt hiệu quả, thì cần phải thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương cũng như sự giám sát chặt chẽ của quá trình thực thi.
Bởi, nếu ở đây lực cản là quyền lợi trong một lĩnh vực quản lý nhà nước nào đó thì cần phải có sự tham gia của các bộ ngành và chấp nhận từ bỏ các quyền lợi đó để vì sự phát triển chung.
Đồng thời, chính những cải cách như vậy còn giúp cho bộ máy quản lý của Nhà nước được hoạt động hiệu quả hơn. Họ phải thay đổi chính công cụ quản lý để quản lý hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn cho xã hội đồng thời nâng cao được năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, thực tế nỗ lực cải cách của Việt Nam trong thời gian qua không chững lại, bằng chứng là Nghị quyết 02 liên tục được ban hành qua các năm và ngày càng mở rộng phạm vi cả về không gian, nội dung và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cần đạt được.
Điều đó cho thấy nỗ lực cải cách của chúng ta là không ngừng và các cam kết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, về kết quả đạt được cũng có rất nhiều tiến bộ, như cải cách ở EVN hay tỉnh Quảng Ninh… là những điển hình.
Ông cho rằng, sự chững lại ở đây nguyên nhân chính là do sự cải cách chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, khu vực. Đây là thách thức lớn cần vượt qua vì nếu không thì tất cả những kết quả cải cách tích cực có được từ trước đến nay sẽ bị bào mòn.
“Thử hình dung, chúng ta đang trên đường cao tốc và mọi thứ sẽ vận hành trơn tru nhưng bỗng dưng gặp phải chỉ 10m toàn ổ voi, ổ gà. Khi có những sự không đồng đều như vậy thì những cải cách tốt không phát huy được hiệu quả”, ông Hiếu nhấn mạnh và khuyến nghị, trong bối cảnh chúng ta phải cạnh tranh để bám đuổi được với các nền kinh tế đã đi trước thì yêu cầu cải cách càng phải mạnh mẽ hơn.
Xem thêm: Cơ hội gỡ bỏ rào cản đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp phục hồi