Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, HĐQT Tập đoàn Kido (KDC - Hose) đề xuất phương án phân phối lợi nhuận 2021, cụ thể: chi trả 151 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6%, tương đương với 600 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, thù lao cho HĐQT năm 2021 là 11,8 tỷ đồng; thù lao cho Ban kiểm soát là 120 triệu đồng.
Sau khi phân phối lợi nhuận, lợi nhuận chưa phân phối còn lại là 1.760 tỷ đồng.
Ngoài ra, căn cứ vào kế hoạch kinh doanh năm 2022, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến năm 2022 bằng 10% trên mệnh giá cổ phần, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 1 cổ phiếu thưởng.
Giá cổ phiếu Kido (KDC) mở cửa phiên ngày 4/3 ở mức 54.000 đồng/cổ phiếu
Cũng theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, HĐQT Tập đoàn Kido (KDC) dự kiến trình kế hoạch doanh thu năm 2022 là 14.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng, tăng 38%.
Nhìn lại kế hoạch năm 2021 trước đó một năm của doanh nghiệp, doanh thu và lợi nhuận năm 2021 chưa đạt kế hoạch đề ra. Năm 2021 KIDO đặt kế hoạch doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 92% so với kết quả hợp nhất năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh thu thuần công ty năm 2021 là 10.497 tỷ đồng, tăng 26,5%; lợi nhuận trước thuế 688 tỷ đồng tăng 65% so với năm 2020.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến cùng sự phát sinh của nhiều biến chủng virus Covid mới, Tập đoàn KIDO đề ra phương hướng phát triển trong giai đoạn tới như sau:
Với ngành dầu: Tập đoàn sẽ tiếp tục tăng cường kinh doanh các sản phẩm chủ lực vốn đã làm nên tên tuổi của KIDO trên thị trường dầu ăn trong suốt nhiều năm liền, tiếp tục qui hoạch thương hiệu nhãn hàng, đồng thời nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới phù hợp trong từng giai đoạn, đặt mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành dầu tại Việt Nam trong tương lai gần. Đồng thời, trọng tâm đối với mảng bơ thực vật là thực hiện hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường các dòng sản phẩm bơ thực vật và bơ hạt các loại.
Với ngành kem: Tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm, cho ra mắt thị trường những sản phẩm hợp với xu hướng của người tiêu dùng, nỗ lực để giữ vững vị trí dẫn đầu ngành hàng kem cũng như tiếp tục mở rộng thị phần trong ngành hàng, gia tăng khoảng cách với đối thủ trên thị trường này.
Với chuỗi F&B Chuk Chuk (chuỗi cafe, trà sữa liên kết giữa KIDO và tập đoàn Sơn Kim): KIDO sẽ tiếp tục tìm kiếm những vị trí phù hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh/ thành phố để phát triển, song hành cùng các đối tác để mở rộng đúng như kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, Tập đoàn sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác tiềm năng để từng bước đưa Chuk Chuk vươn ra thế giới, trước mắt là thị trường Châu Á.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó CT HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn KIDO cho biết: “Đối với Chuk Chuk, chúng tôi đã nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới độc đáo kết hợp giữa hương vị truyền thống Việt Nam và phương Tây để tạo ra sự khác biệt so với các doanh nghiệp F&B hiện nay. Cùng với cà phê, trà sữa, kem… chúng tôi có các loại nước mang đặc trưng rất riêng và vô cùng khác biệt trên thị trường như: nước xoài xanh muối ớt hay hồng trà ổi xá lị... Đây là những loại nước mà chưa từng có thương hiệu nào sở hữu trước đó”.
Với mảng bánh kẹo: Tập đoàn tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm mới theo trend, nghiên cứu xu hướng của người tiêu dùng để điều chỉnh các sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Việt, từng bước khẳng định vị trí trong mảng bánh kẹo Việt với 3 mũi nhọn: Bánh tươi, bánh Tây, Bánh quà biếu phục vụ lễ hội, từng bước đưa mảng bánh kẹo của KIDO vươn ra thế giới cùng với thương hiệu Chuk Chuk cũng như các sản phẩm thiết yếu khác.
Bên cạnh những ngành hàng chủ chốt vốn đã được xem là thế mạnh cốt lõi của KIDO, trong năm mới sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm/ ngành hàng mới trong lĩnh vực Thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị, sản phẩm Snacking, các loại thức uống dinh dưỡng… nhằm bổ sung vào danh mục sản phẩm thiết yếu của KIDO và mang đến sự đa dạng và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng .
Ngoài ra, KIDO sẽ tối ưu hóa hệ thống vận hành, chuẩn hóa quy trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tất cả các bộ phận sẽ cùng phối hợp để tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, quản trị giá thành nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi từ thị trường và tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Trọng Nghĩa
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị