Theo kế hoạch thu phí, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TPHCM sẽ phải đóng 250.000 đồng/container 20 feet, 500.000 đồng/container 40 feet…
Bà Ong Thị Kim Ngân, Giám đốc công ty TNHH khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà, cho rằng các khoản thuế, phí tăng đều ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm (SP) nhất là trong tình hình hiện nay tất cả các chi phí đầu vào như giá nguyên vật liệu, xăng dầu, vận chuyển… đều đồng loạt tăng. Nếu cộng thêm phí cảng biển với mức thu dự kiến như trên thì chi phí tăng thêm, buộc doanh nghiệp (DN) phải tính toán bài toán tăng giá, trong khi sức mua thị trường hiện vẫn rất yếu.
Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều lo ngại giá hàng hóa tăng liên tục và sẽ còn tăng tiếp khi áp dụng thu phí cảng biển |
Theo bà Kim Ngân, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu hàng sang châu Âu, khách hàng đã phải chịu giá cước vận chuyển tăng từ 5 - 8 lần so với trước dịch nên không thể cộng thêm chi phí cảng biển nữa mà DN sản xuất phải chịu. Hiện, chi phí giấy tờ hãng tàu thu của DN xuất khẩu khoảng 10 triệu đồng/container hàng 20 feet. Nếu cộng thêm mức thu 250.000 đồng/container 20 feet thì con số này không nhỏ trong bối cảnh nhiều chi phí khác đồng loạt tăng như hiện nay, điều này khiến DN đang đứng trước áp lực tăng giá SP. Song, thời điểm tăng giá SP, mức tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào tình hình thị trường và sức cầm cự của DN.
“Mức giá tăng cũng chỉ dao động dưới 10% đối với thị trường trong nước và 3 - 4% đối với thị trường xuất khẩu chứ không thể hơn. Mặt hàng nào có thị trường quốc tế, cả thế giới tăng giá thì đối tác mới chấp nhận, còn lại rất khó tăng giá đối với những mặt hàng có thị trường hẹp”, bà Ngân cho hay.
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho biết trung bình một năm công ty xuất khẩu nông sản khoảng 30 triệu USD vào thị trường Nga, trong đó, 90% xuất thông qua các công ty châu Âu, 10% bán trực tiếp sang Nga. Phí cước tàu liên tục tăng cao, một container hàng sang Anh từ 700 USD lên 8.500 USD, sang Mỹ từ 2.500 USD lên 17.000 USD. Trong bối cảnh giá bao bì đã tăng 35 - 50%, đường và sữa tăng từ 40 - 60%, DN đã buộc phải tăng giá 15% các SP cà phê, tiêu... vào đầu năm nay. Chi phí vận chuyển đã tăng cao trong hai năm qua, nếu cộng thêm phí cảng biển nữa sẽ đẩy chi phí tăng thêm, trong khi DN không thể tăng giá SP tiếp nữa, buộc phải tính toán các khâu để không tăng giá SP mà DN vẫn có thể cầm cự.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO thương hiệu Meet More Coffee, mức phí cảng biển 250.000 đồng/container là rất cao, nhất là đối với những DN thủy hải sản, nông sản xuất khẩu hàng trăm container hàng/tháng, chi phí đội lên sẽ ảnh hưởng đến giá thành SP, nhất là trước áp lực giá xăng liên tục tăng, xung đột Nga - Ukraine làm tỷ giá ngoại tệ biến động, giá các nguyên liệu đầu vào đều tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá SP đối với các đối tác nước ngoài không hề dễ khi các hợp đồng đều đã ký kết trước đó. Người tiêu dùng trong nước đang đối mặt với khó khăn sau dịch COVID-19 nên DN cũng rất khó tăng giá SP, nhất là những SP không thiết yếu như cà phê…
Đại diện Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM (VFA) cho rằng TP thu phí cảng biển là đúng nhưng không nên thu trong thời điểm hiện nay khi các DN vừa trải qua đại dịch COVID-19 và đang trên đà hồi phục. Chưa kể giá xăng dầu tăng liên tục, nếu cộng thêm phí cảng biển thì nguy cơ hàng hóa tăng giá dẫn tới lạm phát và DN càng khó cạnh tranh với thị trường xuất khẩu hiện nay. Các đối tác, người tiêu dùng nước ngoài không chấp nhận cùng lúc nhiều mặt hàng tăng giá, vì vậy DN cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng việc tăng giá SP.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.8748541a-neib-gnac-ihp-meht-uihc-iahp-uen-gnat-es-aoh-gnah-aig/nv.moc.enilnounuhp.www