Ngày 3-3, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu đang thực hiện thông quan trên địa bàn tỉnh cập nhật đến 20h00 ngày 1-3.
Số lượng xe xuất khẩu được quá ít ỏi
Cụ thể tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị trong ngày 1-3 chỉ xuất khẩu được hai xe trong đó có một xe chở hoa quả. Tính đến thời điểm 20h00 ngày 1-3, tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 883 xe và mặt hàng tồn chủ yếu là xe chở hoa quả (495 xe).
Đến trưa 4-3 vẫn có cả ngàn phương tiện vận chuyển hoa quả kẹt tại các cửa khẩu. Ảnh MM
Tại cửa khẩu song phương Chi Ma, ngày 1-3 chỉ xuất khẩu được ba xe và tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 27 xe.
Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh ngày 1-3 xuất khẩu được 46 xe (42 xe hoa quả) và tổng số xe chờ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu là 583 xe (trong đó có 424 xe chở hoa quả).
Hiện nay tại ba khu vực cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, tổng lượng xe chờ xuất khẩu là 1.493 xe. Trong đó, xe chở hoa quả 919 xe chiếm khoảng 62% tổng lượng xe chờ xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp vận chuyển, xuất khẩu thanh long thì ngoài việc phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng hóa, nguyên nhân chính là do tỉnh Lạng Sơn thay đổi phương thức vận chuyển.
Phát sinh chi phí vô lý, tăng thời gian giao nhận
Tại Hội nghị về tình hình xuất khẩu thanh long ngày 25-2, ông Nguyễn Văn Luận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Kiên Sinh (Hàm Thuận Nam) cho biết, việc bãi Bảo Nguyên (Lạng Sơn) buộc các xe chở thanh long phải “cắt đầu” để thay đầu kéo của họ chở đến km0 với đoạn đường non 1 cây số nhưng chi phí đến 3,8 triệu đồng là quá vô lý.
Trước đây các xe container chở thanh long vận chuyển đến km0, tài xế xuống và giao xe cho tài xế Trung Quốc chở qua bốc dỡ hàng xong quay xe trả lại với chi phí 2.500 Nhân dân tệ (khoảng 9 triệu đồng).
“Với việc đặt ra thêm kiểu “cắt đầu” rồi “thay đầu” với đoạn đường 800m để lấy phí 3,8 triệu đồng/chuyến, sau đó phải trả thêm 9 triệu đồng chi phí vận chuyển sang Trung Quốc thì doanh nghiệp đúng là một cổ hai tròng.
Hơn nữa, phương thức vận chuyển này làm cho việc thông quan đã chậm lại càng chậm hơn” - ông T, một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long nói.
Một số doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng khử khuẩn hoặc làm theo tất cả các yêu cầu để không bị “thay đầu" tốn kém thời gian, chi phí nhưng đều bị từ chối. Tuần trước, bãi Bảo Nguyên đã tăng cường cả trăm đầu kéo từ Hải Phòng lên.
Nhưng không phải đầu kéo nào cũng tương thích, đồng bộ với container nên việc "cắt đầu, thay đầu” ngoài tốn thời gian, chi phí còn có thể làm hư hỏng thanh long đang chạy lạnh bất cứ lúc nào.
“Tôi đề nghị Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cần trao đổi với Sở Công thương Lạng Sơn về vấn đề này” - ông Luận kiến nghị.
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết sẽ sớm trao đổi về việc này.
Bãi Bảo Nguyên huy động hàng chục đầu kéo để áp dụng phương án vận chuyển "cắt đầu".
Phương thức mới vẫn chưa gỡ được vướng
Đến ngày 2-3, Sở Công thương Bình Thuận có văn bản hỏa tốc về phương thức giao nhận hàng hóa mới tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài và cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn).
Tuy nhiên, việc cắt container vẫn không thay đổi và tình hình thông quan tại ba cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục chậm.
Trong khi đó, Sở Công thương Lạng Sơn thì cho rằng nguyên nhân ùn ứ là do phía Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, kiểm hóa 100% mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa thực sự ổn định. Hình thức giao dịch thương mại tiểu ngạch tại các cửa khẩu chiếm trên 90%.
Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chiến lược “Zero COVID” cùng với các quy định, chính sách mới, tăng cường các biện pháp phòng dịch nên năng lực thông quan phía Trung Quốc cũng giảm mạnh.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thu Hằng kiến nghị trước khi vận chuyển thanh long ra biên giới phía Bắc ngành y tế nên kiểm tra, xét nghiệm hàng hóa tại chỗ và cấp giấy để khi đến cửa khẩu không tốn thời gian và rủi ro.
“Hôm qua các cửa khẩu thông báo thông quan, mở cửa nên doanh nghiệp mới tập trung thu mua, đóng gói. Thế nhưng hôm nay lên đến cửa khẩu thì nhận thông báo đóng cửa, tiếp đó là việc "cắt container". Với kiểu này thì doanh nghiệp chết, nông dân chết. Hãy mở lối đi cho bà con bởi nông dân chỉ biết ôm gốc thanh long mà sống” - bà Hằng khẩn thiết.