Công nhân may khẩu trang tại nhà máy ở tỉnh Hưng Yên của Công ty dệt kim Đông Xuân sản xuất cho đơn hàng xuất khẩu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Đó là những chia sẻ của doanh nghiệp, công đoàn công ty tại hội nghị bàn các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các địa phương, ngành do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 4-3.
Ông Lê Nhật Trường - chủ tịch công đoàn Công ty Pousung Đồng Nai - cho hay công ty có 23.000 công nhân nên dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất đồ thể thao, hiện nhà máy vẫn thiếu 6.000 công nhân.
Lý do thiếu công nhân, theo ông Trường, là công nhân đi hết công ty này đến công ty khác, nhiều công nhân "nghe đồn làm 15 năm sẽ không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần", thêm nữa một số lao động trẻ bị "ngợp" trước môi trường công nghiệp đòi hỏi kỷ luật cao, giờ làm việc cố định nên có xu hướng nghỉ việc.
"Nhiều công nhân rất kén chọn việc. Ví dụ tuyển công nhân may thì khó tuyển được lao động nam. Lao động nữ vào làm thấy công việc độc hại, nặng nhọc cũng không muốn nhận mà chỉ muốn công việc thủ công, đơn giản.
Công ty hướng lên vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk, Gia Lai, nơi người dân tộc thiểu số nhiều, ít việc để tuyển dụng, nhưng khi vào công ty thấy máy móc họ lại sợ và tìm đến công ty khác có việc giản đơn hơn", ông Trường chia sẻ.
Con em công nhân được khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí trong một chương trình do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Từ thực tế 28% công nhân nhiễm COVID-19 phải nghỉ việc ảnh hưởng tới các đơn hàng đã ký của công ty, ông Trần Xuân Hòe - phó tổng giám đốc Công ty may 29-3 ở Đà Nẵng - kiến nghị lao động tiêm vắc xin 3 mũi xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì được làm việc, ăn trưa tại khu cách biệt; Bộ Y tế xem xét nghiên cứu bổ sung quyền hạn cho trạm y tế giảm bớt thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tại TP.HCM, ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP - cho hay: "Người lao động có trở về TP.HCM nhưng lựa chọn đã khác. Nhiều ngành nghề lao động tự do thu hút hơn vì người ta có thể vừa làm việc, vừa kiếm tiền ngay trong ngày và giải quyết nhu cầu như đưa đón con, giải quyết công việc gia đình mà không bị ràng buộc thời gian".
Để tránh việc "chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất", ông Trung cho rằng chính sách phải làm sao thông thoáng để người dân, doanh nghiệp được hưởng ngay; phân định rõ nhu cầu nhà ở và nhu cầu sở hữu nhà của người lao động; công đoàn - doanh nghiệp hợp tác dưới góc độ đối tác.
Ngoài ra, hội nghị tiếp nhận nhiều ý kiến lao động chưa "mặn mà" trở lại nhà máy do lương lao động trẻ làm tốt chỉ 5 triệu đồng (không tăng ca), lương ở TP.HCM, Bình Dương thì 5 - 7 triệu nhưng sinh hoạt phí cao hơn. Chẳng may, lao động có vấn đề sức khỏe thì sẽ mắc nợ, phải về quê, không muốn quay lại TP. Trường mầm non ngừng nhận trẻ nên cha mẹ không yên tâm đi làm, phải nghỉ việc ở nhà trông con.
Giải pháp được một số đơn vị đưa ra có tính khả thi như liên kết giữa các liên đoàn lao động tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; thông tin đầy đủ chính sách pháp luật tới công nhân để ổn định tâm lý; nghiên cứu đề xuất tăng lương tối thiểu, phúc lợi xã hội...
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch Công đoàn Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, công đoàn cơ sở và ban chuyên môn tổng hợp, xem xét gửi tới cơ quan có thẩm quyền.
Bình Dương sở hữu nhiều lợi thế để có thể thăng hạng trên bản đồ logistics phía Nam. Nhưng đi cùng cơ hội đó, tỉnh đứng trước thách thức giải bài toán an cư cho hàng ngàn lao động.