Số liệu bài viết được tác giả tổng hợp từ Báo cáo tài chính riêng lẻ của 27/31 NHTM Cổ phần Việt Nam (gọi tắt "NHTM Việt Nam") tính đến 31/12/2021. Những ngân hàng chưa có số liệu đến 31/12/2021 hoặc số liệu về nhân sự không đầy đủ được loại trừ. Lợi nhuận trong bài viết là Lợi nhuận trước thuế (LNTT) của NHTM.
Các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV tạm gọi là nhóm "NHTM Nhà nước". Các ngân hàng còn lại tạm gọi là nhóm "NHTM Tư nhân".
Ngân hàng có số lượng nhân sự nhiều nhất?
Tính đến 31/12/2021, nhóm NHTM Nhà nước dẫn đầu về số lượng nhân sự. Trong đó, số lượng nhân sự của BIDV (24.688 người) xếp vị trí 1/27 trong hệ thống. Ở nhóm NHTM Tư nhân, Sacombank (17.446 người) là ngân hàng có nhiều nhân sự nhất. Nhóm ngân hàng có số lượng nhân sự từ 10.000 người trở lên là những cái tên quen thuộc như Techcombank (11.736 người), ACB (11.710 người), LienVietPostBank (10.649 người), VPBank (10.081 người).
Xét về mức tăng/giảm nhân sự so với 31/12/2020
Trong năm 2021, Vietcombank là ngân hàng có tốc độ tăng nhân sự nhiều nhất, ngân hàng này đã tăng 1.464 người so với thời điểm 31/12/2020 (19.518 người). Xếp theo sau lần lượt là HDBank (tăng 1.008 người), LienVietPostBank (tăng 703 người), VPBank (tăng 679 người), Techcombank (tăng 588 người),...HDBank là NHTM Tư nhân tăng nhân sự nhiều nhất trong năm 2021, theo nhận định của tác giả việc tăng nhân sự của HDBank có thể để đáp ứng cho nhu cầu mở rộng mạng lưới. Tính đến cuối năm 2021, mạng lưới của HDBank đã tăng thêm 05 chi nhánh và 16 Phòng Giao dịch.
Ngược lại với đà tăng nhân sự, hệ thống cũng ghi nhận hai "nhà băng" có sự sụt giảm nhân sự là Eximbank (giảm 425 người) và Sacombank (giảm 149 người) so với thời điểm 31/12/2020.
Nhìn chung, hầu hết các NHTM Việt Nam đều tăng nhân sự trong năm 2021 để phục vụ chiến lược kinh doanh, kế hoạch lợi nhuận của mỗi ngân hàng.
Nhân sự của ngân hàng nào dẫn đầu trong việc tạo ra lợi nhuận trong năm 2021?
Tác giả xác định năng suất/khả năng tạo ra lợi nhuận bình quân của mỗi nhân sự bằng công thức như sau:
Lợi nhuận do mỗi nhân sự tạo ra năm 2021 = | Tổng Lợi nhuận trước thuế năm 2021 |
Số lượng nhân sự cuối năm 2021 |
Nguồn: tác giả tổng hợp và phân tích từ Báo cáo tài chính riêng lẻ của NHTM Việt Nam
Trong năm 2021, nhân sự của VPBank dẫn đầu trong việc tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, bình quân mỗi nhân sự của VPBank đã tạo ra 1.747 triệu đồng LNTT (LNTT của VPBank đã loại trừ khoản thu nhập 20.349.338 triệu đồng từ việc thoái vốn khỏi FeCredit). Xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là nhân sự của Techcombank (1.689 triệu đồng/người), MBBank (1.500 triệu đồng/người). Điều đặc biệt là thứ hạng về số lượng nhân sự của ba ngân hàng này không nằm ở mức quá cao: số lượng nhân sự của VPBank xếp hạng 8/27; Techcombank xếp hạng 5/27; MBBank xếp hạng 10/27.
Ngoài ra, SHB và MSB là hai NHTM Tư nhân có số lượng nhân sự "khiêm tốn" nhưng khả năng tạo ra lợi nhuận cũng rất tốt. SHB có 5.292 nhân sự, chỉ xếp hạng 14 nhưng lại xếp hạng 5 về khả năng tạo ra lợi nhuận của mỗi nhân sự. MSB xếp hạng 16 về số lượng nhân sự nhưng xếp hạng 6 về khả năng tạo ra lợi nhuận của mỗi nhân sự.
Ngược lại, BIDV và VietinBank là 2/3 NHTM Nhà nước dẫn đầu về số lượng nhân sự nhưng khả năng tạo ra lợi nhuận tính bình quân trên mỗi nhân sự lại chưa "tương xứng". Cụ thể, BIDV là ngân hàng có số lượng nhân sự nhiều nhất nhưng khả năng tạo ra lợi nhuận của mỗi nhân sự chỉ xếp thứ 16/27 (bình quân mỗi nhân sự tạo ra 511 triệu đồng LNTT). Vietinbank có số lượng nhân sự nhiều thứ 2 nhưng xếp hạng thứ 12/27 về khả năng tạo ra lợi nhuận của mỗi nhân sự (bình quân 730 triệu đồng/người).
Ở nhóm NHTM Tư nhân, nhân sự của Sacombank và LienVietPostBank chưa cho thấy được khả năng tạo ra lợi nhuận tương đương với quy mô nhân sự của ngân hàng. Bình quân mỗi nhân sự của Sacombank chỉ tạo ra 251 triệu đồng LNTT, nhân sự của LienVietPostBank tạo ra 342 triệu đồng LNTT. Trong khi quy mô nhân sự của hai "nhà băng" này đều trên 10.000 nhân sự.
Nhân sự của 6/27 ngân hàng đã tạo ra lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/người trong năm 2021 là: VPBank (1.747 triệu đồng); Techcombank (1.689 triệu đồng); MBBank (1.500 triệu đồng); Vietcombank (1.261 triệu đồng); SHB (1.103 triệu đồng); MSB (1.029 triệu đồng).
Về phía các ngân hàng, để ghi nhận những đóng góp của cán bộ, nhân viên, ngân hàng cũng sẽ có những chính sách đãi ngộ xứng đáng với mức đóng góp của mỗi nhân sự thông qua chính sách lương, thưởng. Theo số liệu báo cáo tại thời điểm 31/12/2021, mỗi nhân sự của 6/27 ngân hàng trên nhận được mức lương, thưởng bình quân lần lượt là VPBank (25,33 triệu đồng/tháng); Techcombank (43 triệu đồng/người); MBBank (35,9 triệu đồng); Vietcombank (36,92 triệu đồng); SHB (40,35 triệu đồng); MSB (39,10 triệu đồng). Mức lương thưởng mà mỗi nhân sự VPBank nhận được chưa "tương xứng" với khả năng tạo ra lợi nhuận bình quân.
Đánh giá tổng quát, bình quân nhân sự của nhóm NHTM Tư nhân có năng suất, hiệu quả làm việc tốt hơn nhóm NHTM Nhà nước khi giữ các vị trí dẫn đầu về khả năng tạo ra lợi nhuận tính bình quân trên mỗi nhân sự. Tuy nhiên, phương pháp trên cũng có nhược điểm khi chưa xem xét cụ thể tỷ trọng nhân sự kinh doanh trực tiếp, nhân sự vận hành, hỗ trợ tại mỗi ngân hàng.
https://cafef.vn/bat-ngo-voi-kha-nang-lam-ra-loi-nhuan-cua-nhan-vien-cac-ngan-hang-viet-nam-20220304133716086.chnLê hồng Thái
Trí Thức Trẻ