Theo báo Liên hợp buổi sáng, để trừng phạt việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada tuyên bố loại một số ngân hàng của Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Có người hình dung đây là một “quả bom hạt nhân tài chính”, chẳng khác nào loại Nga ra khỏi hệ thống kinh tế và tài chính phương Tây, thậm chí quốc tế. Hậu quả có thể xảy ra là gì?
Ví dụ được đề cập nhiều nhất chính là Iran. Năm 2012, sau khi Ngân hàng Trung ương Iran và các tổ chức tài chính của nước này bị loại khỏi hệ thống SWIFT, đã gây thiệt hại gần một nửa nguồn thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% nguồn thu từ ngoại thương.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng quy mô nền kinh tế Nga lớn hơn nhiều so với Iran, nên ảnh hưởng cũng sẽ khác.
Nga kiểm tra sức ép “bom hạt nhân tài chính”
Nga sản xuất 10% dầu mỏ toàn cầu, cung cấp 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu, đồng thời là nước xuất khẩu ngũ cốc và phân bón hóa học lớn nhất thế giới, sản xuất palladium và niken nhiều nhất, đứng thứ ba về xuất khẩu than đá và thép, cũng như thứ năm về xuất khẩu gỗ.
Việc loại Nga - nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, và cũng là 1 trong 6 nhà cung ứng hàng hóa chiến lược, ra khỏi hệ thống thương mại là điều chưa từng có tiền lệ trong thời đại toàn cầu hóa. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay các nền kinh tế phương Tây đang đối diện với thách thức lạm phát leo thang, giá năng lượng cao.
Do đó, nếu không tính toán cẩn thận, thì quả "bom hạt nhân tài chính" này không những gây thương tổn cho Nga, mà cũng gây tổn tại cho các nước phương Tây.
Bên cạnh đó, Nga còn có một điều kiện mà Iran không có, đó là Trung Quốc, với quan hệ chuẩn đồng minh “không có giới hạn”, hợp tác chiến lược “không có vùng cấm”.
Vì vậy, có bình luận cho rằng, hiện nay Nga đang kiểm tra sức ép của “bom hạt nhân tài chính”, trong khi Trung Quốc đứng bên cạnh quan sát, nắm chắc cơ hội. Cơ hội này chính là xây dựng một hệ thống thay thế SWIFT.
SWIFT, SPFS, CIPS, INSTEX
SWIFT ra đời vào năm 1973, trụ sở chính đặt ở thủ đô Brussels của Bỉ, chức năng chủ yếu là chuyển thông tin thanh toán giữa hệ thống ngân hàng toàn cầu. Hiện nay, hơn 1.100 tổ chức ngân hàng, chứng khoán, cơ sở hạ tầng thị trường và khách hàng doanh nghiệp của hơn 200 quốc gia và khu vực trên toàn cầu… đều thông qua hệ thống này để chuyển “báo cáo tài chính”.
Mặc dù hệ thống SWIFT không thay mặt khách hàng giữ tiền hoặc quản lý tài khoản, nhưng với tư cách là cơ sở hạ tầng viễn thông tài chính kết nối ngành ngân hàng toàn cầu, hoạt động thanh toán quốc tế hầu như đều không thể tách rời SWIFT.
Do USD là đồng tiền chính trong hệ thống thanh toán quốc tế (40,51%), và quyết toán cuối cùng của hơn 95% USD trên phạm vi toàn cầu đều phải thực hiện thông qua hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng tại Mỹ (CHIPS), nên ở mức độ rất lớn Mỹ đã kiểm soát sự vận hành của SWIFT, thậm chí sử dụng SWIFT như một công cụ để thực hiện trừng phạt khi xảy ra xung đột địa chính trị.
Nhìn lại quá trình Mỹ trừng phạt Iran, từ năm 2005, Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, ba năm sau cắt đứt CIPS, năm 2012 cắt đứt SWIFT.
Trung Quốc, Nga và thậm chí EU đều đã nghiên cứu phát triển phương án thay thế SWIFT.
Một là, năm 2014, sau khi bị trừng phạt kinh tế do sáp nhập Crimea, Nga đã thành lập hệ thống thông tin tài chính ngân hàng (SPFS), đẩy nhanh tiến trình phi USD hóa. Về cơ bản, SPFS mô phỏng hệ thống SWIFT. Tính đến ngày 10/11/2021, hệ thống SPFS có 400 khách hàng sử dụng, nhưng chủ yếu là các tổ chức trong nước của Nga nên khó thay thế SWIFT.
Hai là, hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ (CIPS) do Trung Quốc xây dựng vào tháng 10/2015. Tính đến cuối tháng 1/2022, CIPS tổng cộng có 1.280 khách hàng tham gia, bao gồm hàng chục tổ chức của Nga. Quý I/2021, giá trị giao dịch của CIPS đạt 17.460 tỷ nhân dân tệ (NDT), bằng khoảng 10-20% SWIFT.
Mặc dù CIPS cung cấp dịch vụ thông tin, thanh toán và kế toán, có tiềm năng vận hành độc lập, đồng thời có tuyến viễn thông trực tiếp riêng giữa các tổ chức tài chính, nhưng nếu liên quan đến các ngân hàng không trực tiếp tham gia CIPS, thì hoạt động giao dịch thông qua CIPS có thể vẫn phải dựa vào SWIFT để chuyển tải báo cáo tài chính xuyên biên giới.
Trong một bản báo cáo năm 2020 của BOCI (công ty con thuộc sở hữu của ngân hàng Bank of China) đã nhấn mạnh, đối với các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc, CIPS có thể hoạt động đầy đủ như một hệ thống nhắn tin mà không có rủi ro tiết lộ thông tin giao dịch cho Mỹ.
Ba là, cơ chế hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) do châu Âu và Iran phối hợp xây dựng nhằm thực hiện giao dịch thương mại không sử dụng đồng USD với Iran, tuy nhiên do sự ngăn cản của Mỹ nên dường như không thể sử dụng thực chất.
Rõ ràng, mặc dù quy mô vẫn khá hạn chế, nhưng hiện nay xem ra CIPS do Trung Quốc xây dựng có tính bao trùm và phù hợp hơn, có khả năng cạnh tranh với hệ thống SWIFT.
Không nên “lãng phí” một cuộc khủng hoảng
Do đó, mặc dù diễn biến thị trường tổng thể suy yếu, nhưng khái niệm CIPS của Trung Quốc lại bùng nổ, các cổ phiếu liên quan lần lượt tăng, thậm chí đạt mức trần. Điều này đã dẫn đến một số phân tích bình luận phấn khích, cho rằng “không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng”, loại Nga khỏi SWIFT chính là khởi đầu cho sự sụp đổ quyền thống trị của đồng USD.
Trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu của Công ty chứng khoán CITIC (Trung Quốc) Minh Minh cũng cho rằng, chú trọng phát triển CIPS và đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có tính tất yếu và cấp bách nhất định trong việc đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Hệ thống CIPS có thể thúc đẩy phát triển quốc tế hóa đồng NDT, đồng thời ở mức động nhất định cũng có thể giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào hệ thống SWIFT.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến trình tham gia CIPS của Nga. Trong nửa đầu năm 2021, thanh toán bằng đồng NDT đã chiếm 28% xuất khẩu của Nga đối với Trung Quốc, trong khi năm 2013, tỷ lệ này chỉ là 2%.
Nguyên nhân là Trung Quốc và Nga đều đang tăng cường giảm mạnh sự phụ thuộc vào đồng USD, đồng thời phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới của nhau.
Tuy nhiên, mặc dù có ý kiến cho rằng việc loại Nga ra khỏi SWIFT là sự kiện bước ngoặt thúc đẩy tiến trình phi USD hóa, xét về dài hạn điều này rất có lợi đối với toàn cầu hóa đồng NDT, nhưng cũng có ý kiến nhấn mạnh, nếu điều này khiến SWIFT cắt đứt các dịch vụ đối với nhiều quốc gia duy trì giao dịch và trao đổi vốn với Nga, thì sẽ thúc đẩy thế giới chia rẽ nghiêm trọng và hình thành hai phe đối lập gay gắt, gây nên mối đe dọa lớn hơn đối với phát triển toàn cầu hóa kinh tế, hòa bình và ổn định của thế giới.