Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa thông tin về kỳ họp thứ 12, trong đó có kết quả xem xét khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025.
Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Trung tướng Đỗ Quyết và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương (từ trái qua), ba trong các cá nhân có trách nhiệm được UBKT Trung ương nêu trên. Ảnh: HVQY
Hàng loạt lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng
Theo UBKT Trung ương, dấu hiệu vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y được phát hiện liên quan đến việc nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (vụ án đang được Bộ Công an điều tra).
Kết quả kiểm tra cho thấy Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Những vi phạm nêu trên được nhận định gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm đã đề cập thuộc về: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, chủ nhiệm đề tài; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Phòng trang bị, vật tư và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc học viện.
UBKT Trung ương cũng tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của một số lãnh đạo, tổ chức và cá nhân ở Bộ KH&CN, Bộ Y tế.
Đề tài nghiên cứu bằng tiền ngân sách
Theo thông tin từ Bộ KH&CN, bộ kit xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia, với tên đầy đủ là “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”.
Thượng tá Hồ Anh Sơn, chủ nhiệm đề tài (phải), cùng bị can Phan Quốc Việt (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) giới thiệu bộ kit test COVID-19. Ảnh: VGP
Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ trên là 18,98 tỉ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2-2020 đến tháng 7-2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2-2020 đến tháng 10-2021 (sau khi được gia hạn thêm đến tháng 10-2021).
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu là Học viện Quân y, do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm. Tham gia nhiệm vụ có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có bốn thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Đáng chú ý, Phan Quốc Việt, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, người đã bị khởi tố và bắt tạm giam, cũng là một thành viên nghiên cứu chính tham gia thực hiện nhiệm vụ này.
Từng trả lời trên báo chí về sự tham gia của Công ty Việt Á, PGS-TS Hồ Anh Sơn cho hay nhiệm vụ được chia làm hai giai đoạn, một là nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm (do các nhà khoa học nghiên cứu), hai là triển khai sản xuất thử nghiệm (do doanh nghiệp chủ trì).
Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Hai giai đoạn được tích hợp làm một. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch.
Câu hỏi lớn được dư luận đặt ra: Ngân sách chi gần 19 tỉ đồng để Học viện Quân y chủ trì nghiên cứu đề tài, vậy kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao như thế nào, bằng hình thức gì cho Công ty Việt Á - là một doanh nghiệp tư nhân?
Thực tế, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit. Tính đến nay, công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Trong đó công ty thu về số tiền hơn 500 tỉ đồng, chi “hoa hồng” cho các “đối tác” lên tới gần 800 tỉ đồng…•
Kỷ luật sáu đại tá quân đội Cũng tại kỳ họp thứ 12, UBKT Trung ương còn xem xét, kết luận về vi phạm của một số tổ chức đảng và đảng viên. Tại Bình Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án; một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam. Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Tại Kiên Giang, Ban Thường vụ Đảng ủy bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 đã vi phạm nguyên tắc của Đảng và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo chủ chốt và chỉ huy các đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong công tác cán bộ… UBKT Trung ương đề nghị Ban bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Đại tá Nguyễn Thế Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang; đồng thời thi hành kỷ luật (cách chức hoặc cảnh cáo) đối với sáu đại tá là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của BĐBP tỉnh Kiên Giang. |