Nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng bỏ quy định cách ly năm ngày người lao động (NLĐ) là F1. Bởi nếu cứ phát hiện F1 là cách ly thì tình trạng thiếu hụt NLĐ sẽ ngày càng trầm trọng.
Nhiều công ty kiến nghị bỏ quy định cách ly năm ngày với F1.
Trong ảnh: Công nhân đang trên đường đến nhà máy. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon:
Người lao động muốn được đi làm bình thường
Với tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, số ca F0, F1 tăng lên. Để đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh và tránh lây nhiễm trong nhà máy, chúng tôi có chủ trương: Với trường hợp cán bộ, công nhân viên là F0 cho nghỉ ở nhà, khi nào khỏi bệnh, test âm tính đi làm trở lại bình thường. Nếu công nhân viên công ty là F1 của con cái, người thân trong nhà thì chúng tôi yêu cầu họ test nhanh trước khi đi làm, nếu âm tính vẫn đi làm bình thường.
Hiện nay, 100% cán bộ, công nhân viên công ty đều đã tiêm vaccine mũi 2, mũi 3. Hơn nữa, hầu hết NLĐ đều có kinh nghiệm tự kiểm tra, chăm sóc sức khỏe bản thân khi bị nhiễm COVID-19 nên không đáng lo ngại. Bản thân NLĐ F1 cũng mong muốn được đi làm bình thường.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình:
Nên để doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch
Hiện nay, khi công nhân bị F0 thì báo công ty và tự điều trị ở nhà, đến khi xét nghiệm âm tính vào làm việc bình thường.
Công ty cũng hướng dẫn công nhân nếu là F1 và có triệu chứng bệnh thì tự test nhanh rồi báo cáo người quản lý. Còn nếu không có triệu chứng, test âm tính vẫn đi làm bình thường.
Trong bối cảnh sống chung với dịch, mỗi NLĐ, mỗi công ty đều phải tự giác, tự phòng chống dịch. Vì vậy, tôi cho rằng nên để DN tự tính toán phương án hơn là đưa ra những quy định cứng nhắc như F1 phải cách ly năm ngày, vì như vậy sẽ hết người làm việc.
Ông Trần Văn An, Giám đốc Mekong Herbals:
Quy định cách ly năm ngày không còn phù hợp
Trong giai đoạn hàng nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn, công ty đã mở nhiều kênh để thu mua trái cây của bà con nông dân rồi chế biến xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, công ty rất thiếu NLĐ dù đã mở rộng nhiều kênh tuyển dụng.
Chưa hết, với quy định hiện hành, nếu một dây chuyền sản xuất phát sinh F0 thì công nhân trở thành F1 nghỉ làm năm ngày. Với quy định rập khuôn như vậy, nhà máy sẽ không còn công nhân để làm việc dù đơn hàng nông sản cần làm gấp rút do có tính mùa vụ.
Ngoài ra, thời gian qua khi nhà máy có F0, địa phương mang thông báo dán ngay trước cổng, NLĐ đến ứng tuyển sợ quá… bỏ chạy hết. Công ty không tuyển được nhân sự. Như vậy nếu cơ quan chức năng không điều chỉnh quy định về chống dịch cho phù hợp với thực tế thì khác nào quay lại thời gian đóng cửa nhà máy như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM
Kiến nghị F1 xét nghiệm âm tính vẫn đi làm
Hai tháng đầu năm 2022, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Hiện nay, 100% nhà máy tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại TP.HCM đã trở lại hoạt động với đơn hàng ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị đang thiếu hụt NLĐ. Vì vậy, nếu áp dụng rập khuôn quy định khi tiếp xúc gần (F1) thì chỉ cần một công nhân ở nhà trọ là F0, có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1 và các công nhân phải ở nhà ít nhất năm ngày. Hệ quả là nhà máy không có công nhân đi làm, phải dừng sản xuất.
Vì vậy, để đảm bảo lực lượng sản xuất tại các nhà máy, chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo DN. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2 m. Đến ngày thứ năm nếu xét nghiệm vẫn là âm tính thì công nhân đó được hòa nhập lao động bình thường trở lại.•
Xem xét sửa đổi Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trước đây khi chưa có vaccine, Bộ đưa ra quy định cách ly 28 ngày, sau đó giảm xuống 14 ngày. Khi độ bao phủ vaccine tăng cao mới quy định cách ly năm ngày. “Tôi cũng nhận được phản ánh về việc cách ly còn dài và đã giao Cục Y tế dự phòng nghiên cứu. Chúng tôi sẽ tham mưu để Bộ có hướng dẫn phù hợp” - ông Tuyên nói. Tổ chức khu ăn, nghỉ ngơi riêng cho F1 Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết hiện nay nguồn lao động trong ngành gỗ vẫn bị thiếu hụt 10%-15% so với trước dịch. Trong bối cảnh đó, tình trạng NLĐ tiếp xúc với F0, trở thành F1 nhưng phải thực hiện cách ly trong năm ngày, không thể đến nhà máy sản xuất càng khiến DN gặp khó khăn trong tổ chức sản xuất. Do vậy, chúng tôi kiến nghị với NLĐ là F1 chỉ cần test âm tính thì vẫn để họ đi làm bình thường. Khi đi làm thì tuân thủ nghiêm túc quy định 5K. “Thực tế trong sản xuất, NLĐ khi làm việc đều giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm quy định 5K nên nguy cơ lây lan không nhiều. Đáng lo ngại là quá trình nghỉ giải lao, giờ ăn trưa, lao động tập trung đông người. Tuy nhiên, vấn đề này có thể khắc phục bằng cách tổ chức khu ăn và nghỉ ngơi riêng lẻ cho NLĐ F1, cùng với đó là tuân thủ nghiêm quy định 5K” - ông Lập nói. |