Như Thanh Niên thông tin, Bộ Tài chính mới đây đã dự thảo luật Thuế tài sản để trình Quốc hội, trong đó đề xuất phương án áp dụng mức thuế tài sản chung (gồm cả đất và nhà) với tỷ lệ 0,3% nếu xác định ngưỡng nhà không chịu thuế dưới 1 tỉ đồng hoặc tỷ lệ 0,4% nếu ngưỡng nhà không chịu thuế là 700 triệu đồng. Phương án này dự kiến mang về cho ngân sách khoảng 31.000 tỉ đồng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản. Tại Việt Nam, đa số các chuyên gia đều cho rằng việc đánh thuế tài sản đối với bất động sản (BĐS) là hợp lý, sẽ giúp giảm giá nhà, đưa giá nhà đất về sát giá trị thực hơn...
Việc đánh thuế tài sản đối với đất không đưa vào sử dụng sẽ giúp triệt tiêu cảnh những dự án bỏ hoang gây lãng phí Đình Sơn |
“Làm nhanh và làm ngay”
Đa số bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đồng tình ủng hộ sử dụng chính sách thuế để chống đầu cơ BĐS làm rối loạn thị trường. “Hoàn toàn đồng ý việc đánh thuế để dẹp ngay tình trạng đầu cơ BĐS. Đất nước không thể giàu lên nhờ mua đi bán lại BĐS được, hãy dành nguồn lực cho kinh tế”, BĐ Trung Pham ủng hộ.
Tương tự, BĐ Sắc Chanh viết: “Ủng hộ việc này hai tay. Người giàu có tiền họ cứ mua gom, đầu cơ tăng giá, thổi giá. Người dân lao động nghèo đành chịu thiệt, nhiều khi lao động cả đời cũng chưa mua nổi căn nhà”.
“Các nước làm được và có hiệu quả thì không lý gì Việt Nam không làm được. Mong rằng việc này sớm thành hiện thực và nguồn thu thuế này được trích lập một phần để xây nhà ở xã hội cho người nghèo mua hoặc thuê”, BĐ Nhạc ý kiến.
Trong khi đó, BĐ Q.M đề xuất: “Nên có những công cụ và chế tài để hạn chế việc đầu cơ đất, đưa giá đất về đúng với giá trị thực của nó. Việc phát triển sản xuất sẽ quan trọng hơn là việc đầu cơ vào đất đai mang lại những hệ lụy lâu dài cho phát triển kinh tế”.
“Đề nghị làm nhanh và làm ngay, để nguồn lực quý báu của xã hội khác ngoài đất (trí tuệ, nhân tài vật lực) chảy vào chỗ làm ra tiền như một quy luật tự nhiên hơn là chảy vào đất đai mà không tạo của cải cho xã hội. Một nhóm nhỏ người làm BĐS giàu lên, cả xã hội gánh chịu...”, BĐ Thái Sơn nêu ý kiến.
Thuế nên áp ra sao ?
Tán thành việc đánh thuế để chống đầu cơ BĐS, hạ giá nhà đất, tuy nhiên nhiều BĐ vẫn còn lăn tăn nên đánh thuế từ căn nhà thứ 2 hay theo giá trị nhà và đất. “Nên đánh thuế BĐS thứ 2 trở đi và lũy tiến giá trị BĐS, nhất là nhà, đất bỏ hoang để đầu cơ chờ giá lên, không ai ở, vì đó là trọng tâm gây nhiều hệ lụy làm tăng giá nhà đất, gây bất bình đẳng. Nhưng luật cũng cần chặt chẽ vì sẽ có nhóm đối tượng tìm cách lách luật”, BĐ Mac Thao lưu ý.
BĐ Medal Nguyen cho rằng đánh thuế theo giá trị mới bình đẳng, vì một căn nhà có thể giá trị bằng hàng chục, hàng trăm căn nhà khác.
BĐ Q.Thang lại có góc nhìn khác: “Chỉ nên đánh thuế với BĐS không sử dụng chờ đầu cơ, còn với BĐS xây cho thuê, kinh doanh, để ở không đánh thuế vì chủ mảnh đất đã nộp các loại thuế khác. Không nên đánh thuế chồng thuế”.
BĐ Thanh Tiem đề xuất: “Theo tôi, đánh thuế cũng tùy trường hợp. Nên có hạn mức trần để thu thuế (quy ra mét vuông diện tích trên đầu người) vì có người ở cả ngàn mét vuông, có người chỉ vài mét vuông thì không thể tính tài sản thứ 2 hay 3 được”.
Nhiều ý kiến cho rằng tính toán áp dụng cách đánh thuế như thế nào cho công bằng, hợp lý, tránh được đầu cơ đất đai, lập lại trật tự cho thị trường BĐS thì nhà nước cần lấy ý kiến chuyên gia cho thật kỹ. Tuy nhiên, việc đánh thuế tài sản để hạ giá nhà đất thực hiện càng sớm càng tốt, như BĐ Nguyen Ngon đề nghị: “Người không có, người thì gom để đó chờ thời… đẩy giá, làm rối loạn thị trường. Đánh thuế đối với loại tài sản này là hợp lý và cần tiến hành càng nhanh càng tốt. Lẽ ra việc này nên làm từ lâu”.
Chính phủ nên làm nhanh, giá BĐS đã quá cao so với thu nhập người dân.
Hoang Ni
Phải đánh thuế cao, lũy tiến vào tiền đầu cơ BĐS, chứ không phải áp thuế trên giá trị BĐS. Điều này đồng nghĩa ai ôm nhiều đất đai đầu cơ, không có dòng tiền kinh doanh sẽ bị thu thuế cao hằng năm.
Ngoc Nguyen
Đề nghị phải minh bạch công khai luôn hồ sơ đất đai trên cổng thông tin quốc gia để dân biết đất đó là của ai, đã đánh thuế hay chưa.