Sơ đồ các mũi tiến quân của Nga tính đến ngày 4-3 Nguồn: New York Times, Viện nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) - Việt hóa: DUY LINH - Đồ họa: T.ĐẠT
Nhiều người lo rằng một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra.
Zaporizhzhia, được xây dựng từ năm 1984 đến 1995, là nhà máy điện hạt nhân lớn thứ 9 trên thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ukraine có 4 nhà máy điện hạt nhân còn hoạt động. 4 nhà máy này có tổng cộng 15 lò phản ứng, cung cấp khoảng 50% điện năng cho cả nước.
Chưa rõ nguyên nhân hỏa hoạn
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn tới trận hỏa hoạn tại Nhà máy Zaporizhzhia. Trong khi đó, Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau. Các đoạn video lấy từ camera an ninh cho thấy đạn pháo rơi xuống khu vực nhà máy và một đám cháy đang bùng lên cách đó không xa.
Thông tin đầu tiên đến từ một nhân viên của nhà máy, người đã đăng trên Telegram, rằng các lực lượng Nga đã nã đạn vào Zaporizhzhia. Hãng thông tấn AP dẫn lời người đại diện nhà máy khẳng định đạn pháo của quân Nga đã rơi xuống nhà máy và đốt cháy 1 trong 6 lò phản ứng. Trước đó, lò này đã ngừng hoạt động và đang được cải tạo.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố đã xác minh được thông tin lúc 2h30 sáng (giờ địa phương) kèm theo thông tin "Nga đang nã đạn từ mọi phía vào nhà máy và lửa đã bùng lên". Một loạt các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác tiếp nối sau đó.
Lo ngại về hậu quả rò rỉ phóng xạ, IAEA và Bộ Năng lượng Mỹ kích hoạt các nhóm ứng phó sự cố hạt nhân.
Một thời gian ngắn sau, Cơ quan Khẩn cấp nhà nước Ukraine thông báo phóng xạ tại nhà máy là "trong giới hạn bình thường" và đám cháy xảy ra trong một tòa nhà bên ngoài nhà máy điện. Ít phút sau đó cơ quan này cho biết tổ máy thứ ba của nhà máy đã bị ngắt, do đó chỉ còn 1 trong 6 tổ máy của nhà máy còn hoạt động.
Căng thẳng qua đi khi lực lượng cứu hỏa Ukraine thông báo đã dập tắt được đám cháy và các thiết bị quan trọng tại nhà máy không bị ảnh hưởng. Không lâu sau đó phía Ukraine cho biết khu vực nhà máy đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.
Các bên đổ lỗi cho nhau
Tổng thống Ukraine Zelensky cáo buộc Nga cố tình nã đạn vào Nhà máy Zaporizhzhia và kêu gọi lãnh đạo châu Âu "thức tỉnh" để cùng ngăn chặn Nga nhằm tránh "thảm họa hạt nhân".
Thủ tướng Anh Boris Johnson yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời cáo buộc Nga đang đe dọa trực tiếp châu Âu vì hành động "tấn công" vào Nhà máy Zaporizhzhia. Lithuania, một quốc gia từng thuộc Liên Xô (cũ) và đang là thành viên NATO, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thiết lập vùng an toàn quanh các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.
Trong họp báo ngày 4-3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov xác nhận đã có giao tranh lúc rạng sáng 4-3 tại khu vực Nhà máy Zaporizhzhia. Tuy nhiên, thiếu tướng Konashenkov lại cung cấp một câu chuyện khác với Ukraine và phương Tây.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng Nga, những binh sĩ Ukraine bảo vệ nhà máy đã rời đi trước khi quân đội Nga đến nên việc bảo vệ nhà máy do Nga thực hiện. Khoảng 2h sáng 4-3, một đội tuần tra cơ động của Nga trong lúc làm nhiệm vụ đã bị một nhóm phá hoại Ukraine tấn công.
Những người này núp trong tòa nhà 5 tầng của nhà máy và sử dụng súng hạng nhẹ bắn về phía binh sĩ Nga - điều mà tướng Konashenkov cho là có sự tính toán nhằm buộc Nga phải bắn vào tòa nhà. Các binh sĩ Nga sau đó đã bắn trả, đẩy lùi nhóm tấn công của Ukraine, nhưng trước khi rời đi, những người này đã phóng hỏa đốt tòa nhà 5 tầng.
Hãng thông tấn Tass trích lời tướng Konashenkov mô tả sự cố ở Nhà máy Zaporizhzhia là "sự khiêu khích quái dị" của Ukraine. Theo ông, vụ việc cho thấy Kiev hoặc là đã lên kế hoạch từ trước hoặc không hề biết gì vì đã mất kiểm soát hoàn toàn các nhóm chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Dự kiến đưa 900 người Việt về nước
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, ngày 3-3, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương tổ chức chuyến bay đưa người Việt có nhu cầu về nước. Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức triển khai các chuyến bay và Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí cho các chuyến bay.
Trước mắt dự kiến cho khoảng 900 người Việt tại Ba Lan, Romania hoặc Moldova về nước. Người về nước trên các chuyến bay được xét nghiệm sau khi hạ cánh tại Việt Nam và thực hiện các biện pháp y tế sau khi nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức 2 chuyến bay đưa người Việt và gia đình từ Ukraine về nước. Dự kiến 1 chuyến từ Romania khởi hành vào ngày 7-3 và 1 chuyến từ Ba Lan vào ngày 8-3.
Tính đến trưa 4-3, đã có 370 người tới Romania, 200 người đang được đưa từ Moldova sang Romania, 600 người đã từ Ukraine sang Ba Lan, khoảng 125 người đã tới Hungary, hơn 40 người đã tới Slovakia.
LAN HƯƠNG
TTO - Chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch ngày 4-3, sau khi tin tức về vụ hỏa hoạn tại khu vực Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (đã được dập tắt) ở Ukraine khiến giới đầu tư lo ngại xung đột tiếp tục leo thang.
Xem thêm: mth.79993813240302202-eniarku-o-nahn-tah-aoh-maht-iagn-ol/nv.ertiout