Nhiều người vẫn mặc định rằng môi trường ngân hàng là lãnh địa của COCC, kể cả "người thường" có vào được cũng rất khó có cơ hội thăng tiến. Vậy đây có phải là quan niệm đúng đắn?
COCC có phải là rào cản tiến thân trong ngành Ngân hàng?
Theo ThS. Vũ Việt Dũng – Chủ tịch KeyPerson (Công ty chuyên tư vấn, đào tạo trong lĩnh vực TCNH), các ngân hàng hiện tại (kể cả các ngân hàng Big4 lẫn ngân hàng TMCP Tư nhân) có rất nhiều vị trí là COCC. Tuy vậy, số lượng này ở các ngân hàng Big4 nhiều hơn và gây "đau đầu" hơn cả.
Ở những đơn vị không có hệ thống KPI đánh giá năng lực rõ ràng thì cơ hội thăng tiến của những "nhân viên thường" rất dễ bị ảnh hưởng.
Ông chia sẻ: "Trong quá trình công tác, tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Đơn cử, tôi có quen một cậu, con trai sếp lớn ở một đơn vị ngân hàng nọ. Cậu này chưa có kinh nghiệm liên quan nhưng vẫn được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng. Sau 2 năm làm việc nhưng kết quả vẫn làng nhàng, cậu lại tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Khối. Điều này khiến cho không ít những đồng nghiệp và các nhân viên dưới quyền cậu bức xúc. Nhưng họ cũng chẳng thể làm được gì, vì cậu có cái ô quá lớn.
Ngược lại, tôi cũng gặp những bạn COCC hết sức cố gắng trong công việc. Họ nhận thức được rằng COCC chỉ là một tấm vé thông hành ban đầu giúp họ dễ dàng hơn khi tiếp cận công việc, và để phát triển đường dài họ cần phải dựa vào chính bản thân mình. Chính vì vậy, họ luôn nỗ lực học hỏi , có trách nhiệm với công việc và có thái độ hòa nhã với đồng nghiệp. Nhiều người trong số họ chẳng bao giờ thể hiện ra mình là COCC. Họ cũng chẳng nề hà gì mà sẵn sàng làm từ những việc từ bé nhất một cách tận tâm, tận lực nhất. Những COCC như vậy rõ ràng không chỉ có được bước đệm tốt ở thời điểm ban đầu mà còn có được cái nhìn ngưỡng mộ, quý trọng của đồng nghiệp. Và dĩ nhiên, con đường phát triển của họ trong ngân hàng cũng vô cùng rộng mở."
Nhiều COCC nhận thức được rằng COCC chỉ là một tấm vé thông hành ban đầu giúp họ dễ dàng hơn khi tiếp cận công việc, và để phát triển đường dài họ cần phải dựa vào chính bản thân mình
Vậy, với "nguời bình thường" thì sao? Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng đều không có những "cây cao bóng cả trong ngành" đỡ đầu. Liệu những người như họ có cơ hội để tiến thân trong một môi trường có sự cạnh tranh khốc liệt như ngành ngân hàng? "Dĩ nhiên là có. Và tôi cũng phải khẳng định rằng tôi đã gặp rất nhiều nhân vật vượt khó vươn lên", - ông Dũng trả lời, đồng thời vui vẻ kể lại rằng vừa được một đồng nghiệp cũ gọi đến để chia sẻ về niềm vui được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh ngân hàng.
Được giới thiệu, người viết đã liên hệ với Anh T. - người vừa được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Chi nhánh S để hỏi chuyện. Anh T. kể, vốn xuất thân từ một gia đình có bố là quân nhân hay phải đi công tác xa nhà, mẹ bươn chải nhiều nghề để kiếm sống, anh đã biết tự lập và giúp đỡ mẹ công việc hàng ngày từ khi còn tấm bé.
Anh nhập học khoa Ngân hàng, trường Đại học KTQD vào năm 2008 khi ngành đang rất hot và tốt nghiệp vào năm 2012 khi nền kinh tế đã thoái trào, còn ngành ngân hàng thì đang rớt giá thảm hại. Chẳng có gì trong tay ngoài tấm bằng đại học, cậu sinh viên năm đó chẳng nghĩ gì nhiều mà chỉ cố gắng thi tuyển vào ngân hàng với mong muốn vô cùng đơn giản đó là sống được bằng nghề.
Khởi điểm từ vị trí Chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân (hiểu đơn giản là vị trí sale khách hàng cá nhân trong ngân hàng), nhờ làm việc chăm chỉ và cần mẫn học hỏi, anh liên tục đạt KPI được đánh giá từ mức tốt đến xuất sắc. Nhờ thành tích làm việc rất tốt, anh được bổ nhiệm vào vị trí Chuyên viên cao cấp, được cử đi học lớp Cán bộ nguồn của ngân hàng. Không lâu sau đó, cơ hội đã đến với anh: Ngân hàng anh đang làm trống vị trí Trưởng nhóm.
Nhờ kinh nghiệm làm việc, sự tự lực và mong muốn khẳng định chính mình, anh ứng cử và thành công chinh phục vị trí đó trong lần thi tuyển này. Kể từ đó, con đường thăng tiến của anh ngày một trở nên rộng mở, từ vị trí Trưởng nhóm lên Trưởng phòng kinh doanh, và cuối cùng là vị trí Giám đốc chi nhánh như hiện nay. Vậy là chỉ chưa đầy 10 năm cặm cụi và kiên nhẫn làm tốt từ những công việc nhỏ nhất, giờ đây nhờ sự nỗ lực của bản thân, anh T. đã có được vị trí mà bao người (thậm chí là COCC) cũng phải ao ước.
Anh T. chia sẻ: "Trải qua quá trình tự ứng tuyển và bám trụ trong ngân hàng, tôi nhận ra rằng người ta thường sợ không thể phát triển được chẳng qua là vì chưa có đủ sự trải nghiệm trong ngành này. Nếu muốn theo đuổi ngành ngân hàng, các bạn hãy cứ tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng và trải nghiệm thật nhiều. Nếu ứng tuyển thất bại, hãy nghĩ đơn giản rằng mình không phù hợp với đơn vị này và hãy cố gắng thử sức, kiên trì với những đơn vị tiếp theo."
"Trong quá trình làm việc, tôi nghĩ thái độ là quan trọng nhất. Hãy luôn giữ tâm thế đặt mình ở vị trí thấp để có thể học hỏi để hướng tới vị trí cao hơn. Bạn có thể bồi đắp và cải thiện được kiến thức cũng như kỹ năng qua thời gian. Tuy vậy, nếu bạn không có thái độ làm việc tốt, bạn sẽ chẳng bao giờ cải thiện được năng lực của bản thân mình."
Về ngắn hạn COCC sẽ có nhiều lợi thế hơn, nhưng trong dài hạn cơ hội thăng tiến và khả năng phát triển sự nghiệp của mỗi cá nhân sẽ được đo bằng chính năng lực của họ trong ngành
Những ranh giới dần được xóa nhòa
Ông Dũng cũng cho biết, nhiều ngân hàng TMCP Tư nhân của Việt Nam vào thời điểm hiện tại đã và đang có quy trình tuyển dụng rất minh bạch và rõ ràng. Chính vì vậy, cơ hội thăng tiến trong ngân hàng sẽ trở nên công bằng và rộng mở hơn hơn với tất cả mọi người, không chỉ là với nhân viên nội bộ mà còn với nhân viên ngoài ngân hàng, mặc dù họ có phải là COCC hay không.
Tuy về ngắn hạn COCC sẽ có nhiều lợi thế hơn, nhưng trong dài hạn cơ hội thăng tiến và khả năng phát triển sự nghiệp của mỗi cá nhân sẽ được đo bằng chính năng lực của họ trong ngành.
COCC sẽ ngay lập tức mất đi lợi thế nếu người thân của họ không còn đương chức. Và nếu không có năng lực, họ sẽ sớm bị loại khỏi các vị trí trong tổ chức. Còn những người phát triển bằng năng lực của bản thân, có thái độ và kiến thức nền tảng tốt thì đi đâu cũng sẽ được đón nhận.
Dẫu bạn có phải là COCC hay không, nếu muốn theo đuổi ngành ngân hàng, hãy luôn cố gắng làm việc, rèn luyện, tích lũy kiến thức, cố gắng không nản chí và bỏ cuộc giữa chừng. Sớm muộn, thành công cũng sẽ đến với những người xứng đáng.
https://cafef.vn/khong-phai-cocc-lo-trinh-thang-tien-cua-nhan-vien-ngan-hang-lieu-co-rong-mo-20220305093307399.chnTheo Hường Hoàng
Nhịp Sống Kinh tế