Theo The Telegraph, kế hoạch gửi 2.700 tên lửa phòng không Strela của Đức tới Ukraine đã gặp trở ngại sau khi phía Đức phát hiện ít nhất 700 quả không còn hoạt động.
Tên lửa Strela do Liên Xô sản xuất là một phần trong kho dự trữ của Đông Đức trước đây. Strela 2 là thế hệ đầu của loại tên lửa vác vai Liên Xô, được đưa vào trang bị vào khoảng năm 1968. Mặc dù Strela 2 bị hạn chế về tầm bắn, tốc độ và độ cao, nhưng nó rất gọn nhẹ (có thể vác trên vai bộ binh), thích hợp cho tác chiến du kích.
Cho tới 2022, sau hơn 50 năm chế tạo, Strela-2 vẫn tiếp tục được sử dụng bởi quân đội một số nước. Strela 2 hiện đang giữ thành tích bắn hạ nhiều máy bay nhất trong số các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai trên thế giới, hơn cả FIM-92 Stinger của Mỹ.
Đức đã hủy bỏ lệnh cấm đưa vũ khí đến các khu vực xung đột vào tuần trước và cam kết gửi vũ khí cho Ukraine. Sự cố tên lửa hỏng hóc dường như không ảnh hưởng đến lô vũ khí đầu tiên mà Đức đã chuyển đến Ukraine trước đó.
Lô hàng đầu tiên gồm 1.000 tên lửa chống tăng và 500 tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất, hoạt động ổn định đã được chuyển giao an toàn cho phía Kiev trong tuần này.
Trong tuần này, Berlin thông báo rằng họ có kế hoạch tiếp tục với việc chuyển giao 2.700 tên lửa Strela. Tuy nhiên, hiện có 700 tên lửa bị hư hỏng nặng đến mức không còn hoạt động được nữa.
Bộ Quốc phòng Đức đã rất ngạc nhiên trước thông báo của Chính phủ về hỗ trợ vũ khí, vì tên lửa phòng không Strela đã được tuyên bố là lỗi thời và đưa vào lưu kho năm 2014. Chúng có tuổi đời ít nhất 35 năm và không còn an toàn.
Chính phủ Ukraine được cho là đã yêu cầu được nhận lô tên lửa Strela bất chấp tuổi đời của chúng.
Tuy nhiên, ít nhất 700 trong số 2700 tên lửa đã bị ảnh hưởng bởi các vết nứt nhỏ dẫn đến ăn mòn và không thể sử dụng được nữa. Đức dự kiến sẽ giao 2.000 tên lửa còn lại mặc dù thực tế chúng không còn được coi là an toàn để sử dụng.
Một tài liệu quân sự tuyệt mật do tạp chí Spiegel thu được có đoạn viết: “Do động cơ đã lỗi thời, tên lửa Strela không còn an toàn để sử dụng, vì vậy không ai được bắn loại tên lửa này”.
Theo báo cáo, các hộp gỗ chứa tên lửa bị mốc đến mức khi được kiểm tra lần cuối vào tháng 11, quân đội Đức đã phải đeo thiết bị bảo hộ. Vấn đề này cho thấy kho vũ khí của Đức đã cạn kiệt nghiêm trọng như thế nào sau nhiều năm thiếu hụt đầu tư cho quân sự.
Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sẽ giải quyết việc cạn kiệt vũ khí của Đức và sau khi Nga tấn công Ukraine, Berlin đã công bố một quỹ trị giá 100 tỷ EUR cho chi tiêu quốc phòng. Một báo cáo bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng cho biết Đức đã cố gắng kêu gọi số tiền 20 tỷ EUR để bổ sung vào kho đạn được của mình.
Phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Scholz tuyên bố Đức sẽ nâng chi tiêu cho quốc phòng lên vượt ngưỡng 2% GDP hàng năm.
Trong khi đó, Ba Lan, Bulgaria và Slovakia gần cũng đã bác bỏ thông tin cho rằng các nước này sẽ tài trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine. Thông tin này được đưa ra sau khi một quan chức Ukraine tuyên bố đã gửi các phi công đến Ba Lan để nhận máy bay do EU tài trợ.
Xem thêm: mth.15150230150302202-gnan-gnoh-uh-tad-teh-ad-eniarku-ohc-iug-hnid-cud-aul-net-ol/nv.zibmanteiv