Vài năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Nga khá thân thiết. Năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là "người bạn thân thiết nhất". Trong chuyến thăm của ông Putin đến Bắc Kinh tháng trước, hai nước khẳng định tình bạn "không giới hạn".
Đó là trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và bị hàng loạt quốc gia phương Tây áp lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các lựa chọn của Bắc Kinh nhằm giúp Nga cũng rất hạn chế.
"Với tình hình tại Ukraine, lãnh đạo Trung Quốc như đang đi trên dây", Craig Singleton – nhà nghiên cứu Trung Quốc cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Washington, Mỹ) cho biết.
Bắc Kinh cũng không vội vã giúp Nga ngay khi nền kinh tế này bị áp lệnh trừng phạt. Hôm 2/3, Guo Shuqing – Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cho biết nước này sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt, nhưng cũng không đưa ra biện pháp hỗ trợ nào. Hôm 3/3, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầg châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng tuyên bố ngừng các hoạt động tại Nga do "xung đột tại Ukraine".
"Thông điệp của Trung Quốc vẫn là cáo buộc Washington cùng các đồng minh khiêu khích Nga", Singleton cho biết, "Tuy nhiên, các động thái này sẽ không quá chống đối với Mỹ, do Bắc Kinh không muốn hủy hoại hoàn toàn quan hệ Mỹ - Trung".
Quan hệ thương mại không đáng kể
Trong chuyến thăm Trung Quốc gần nhất, Nga đã ký với Trung Quốc 15 thỏa thuận, trong đó có các hợp đồng mới với hai đại gia năng lượng Nga và Gazprom và Rosneft. Trung Quốc cũng đồng ý gỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu với lúa mỳ và lúa mạch Nga.
Năm ngoái, 16% dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ Nga. Việc này biến Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhì của Trung Quốc, sau Saudi Arabia. Khoảng 5% khí đốt tự nhiên của Trung Quốc năm ngoái cũng là mua từ Nga.
Trong khi đó, Nga mua 70% sản phẩm bán dẫn từ Trung Quốc, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Nước này cũng nhập khẩu máy tính, smartphone và phụ tùng xe hơi từ Trung Quốc. Xiaomi là một trong những thương hiệu smartphone phổ biến nhất tại Nga.
Trung Quốc đã đưa các ngân hàng Nga vào Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) – tổ chức tương tự SWIFT (hệ thống hỗ trợ thanh toán kết nối các tổ chức tài chính trên thế giới).
Tuy nhiên, "chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ coi nhẹ các lệnh trừng phạt của phương Tây để giúp Nga", Neil Thomas – nhà phân tích Trung Quốc tại Eurasia Group cho biết. Ông nhấn mạnh việc thách thức các lệnh trừng phạt sẽ khiến Bắc Kinh "chịu hậu quả lớn về kinh tế", trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang có nhiều ưu tiên khác để vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, đóng góp 16% kim ngạch ngoại thương cho Nga, theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hải quan Trung Quốc năm 2020.
Nhưng với Trung Quốc, tầm quan trọng của Nga thấp hơn rất nhiều. Thương mại hai nước chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch của Trung Quốc. Liên minh châu Âu và Mỹ chiếm tỷ lệ lớn hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc cũng lo bị trừng phạt nếu làm việc với đối tác Nga. "Phần lớn ngân hàng Trung Quốc không muốn bị cắt khả năng tiếp cận đôla Mỹ. Nhiều ngành công nghiệp nước này cũng không thể xa rời công nghệ Mỹ", Thomas cho biết.
Singleton thì nhận định các thực thể Trung Quốc "có thể nhanh chóng bị phương Tây dò xét nếu bị coi là giúp Nga lách lệnh trừng phạt". "Vài tháng qua, nền kinh tế và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã chịu sức ép lớn rồi. Giới chức nước này vì thế sẽ phải nghĩ cách cân bằng, vừa ủng hộ Nga vừa không khiến phương Tây nổi giận", ông nói.
Hai nhà băng trong nhóm lớn nhất Trung Quốc ICBC và Bank of China được cho là đã ngừng cho vay với hoạt động mua hàng hóa Nga, do lo ngại vi phạm lệnh trừng phạt. Reuters đầu tuần này đưa tin nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga đã chững lại do người mua không vay được từ các ngân hàng quốc doanh.
Các ràng buộc thực tế
Kể cả nếu Trung Quốc muốn giúp Nga trong các lĩnh vực chưa bị trừng phạt, như năng lượng, Bắc Kinh có thể vẫn bị ràng buộc nhiều. "Các trừng phạt tài chính phương Tây đang áp lên Nga sẽ ngăn cản đáng kể giao dịch của Trung Quốc với Nga, dù Trung Quốc không trực tiếp bị cấm vận", Mark Williams – kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics cho biết.
Một số chuyên gia cho rằng CIPS của Trung Quốc có thể là lựa chọn thay thế SWIFT cho Nga. Tuy nhiên, CIPS có quy mô nhỏ hơn rất nhiều, với chỉ 75 ngân hàng, so với hơn 11.000 trong SWIFT. Khoảng 300 tổ chức tài chính Nga hiện nằm trong SWIFT, trong khi chỉ 20 liên kết với CIPS.
Đồng nhân dân tệ được sử dụng ít phổ biến hơn các tiền tệ lớn khác trong ngoại thương. Hồi tháng 1, đồng tiền này chiếm 3% thanh toán toàn cầu, so với 40% của đôla Mỹ, theo SWIFT. Kể cả thương mại Nga – Trung cũng chủ yếu bằng đồng đôla và euro.
"Trên thực tế, vì CIPS giới hạn thanh toán bằng nhân dân tệ, nó hiện được dùng để giao dịch với Trung Quốc mà thôi. Các ngân hàng khó có thể chuyển sang hệ thống này", Williams cho biết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không thể thay Mỹ cung cấp các công nghệ thiết yếu cho Nga. Cuối tuần trước, Mỹ đã thông báo vòng trừng phạt mới nhằm ngăn xuất khẩu công nghệ hoặc hàng hóa có công nghệ Mỹ sang Nga.
Nga chủ yếu nhập khẩu chip máy tính giá rẻ từ Trung Quốc, được sử dụng trong xe hơi và đồ gia dụng. Cả Nga và Trung Quốc đều phụ thuộc vào Mỹ để có nguồn chip cao cấp sử dụng trong hệ thống quân sự.
Việc này có thể khiến các hãng công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là các công ty lớn, càng thận trọng khi giao dịch với Nga. "Một số công ty Trung Quốc nhỏ không phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của Nga với công nghệ Mỹ", Thomas cho biết, "Tuy nhiên, các hãng công nghệ lớn sẽ thận trọng để tránh rơi vào hoàn cảnh như Huawei".
Hà Thu (theo CNN)