Trong thời buổi dịch bệnh bùng phát như hiện nay, việc người dân thực hiện test nhanh hoặc xét nghiệm PCR không còn là điều quá xa lạ. Đây là hai loại xét nghiệm thường được sử dụng để xác định người mắc Covid-19, vậy giữa chúng có gì khác nhau ?
Test nhanh Covid-19 là phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện các protein trên bề mặt của virus SARS-CoV-2 (xét nghiệm kháng nguyên). Ưu điểm của loại xét nghiệm này là cho kết quả nhanh song độ đặc hiệu không cao.
Phương pháp xét nghiệm PCR là xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT - PCR), giúp xác định sự hiện diện của virus thông qua phát hiện vật liệu di truyền của virus Sars - CoV - 2. Loại xét nghiệm này có độ chính xác cao, tuy nhiên có hạn chế là tốn kém và mất nhiều thời gian để cho ra kết quả.
Hiện nay, Việt Nam đã chấp nhận việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho ra viện. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi test nhanh vẫn cần thực hiện thêm xét nghiệm PCR để có khẳng định chính xác.
Có rất nhiều trường hợp test nhanh một vạch nhưng khi test PCR lại cho kết quả dương tính. Vấn đề này đã được các chuyên gia giải đáp.
Ảnh: Internet
Tại sao một số trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính, nhưng test PCR lại dương tính?
Các bác sĩ cho rằng các trường hợp test nhanh âm tính nhưng PCR lại dương tính có thể là kết quả test nhanh âm tính giả, xảy ra do tải lượng virus thấp.
Trên thực tế, độ nhạy của test nhanh kém hơn test PCR nên nếu ít virus thì test nhanh có thể không phát hiện nhưng test PCR thì có. Kết quả của test PCR có độ nhạy và tin cậy cao hơn nhiều so với phương pháp test nhanh tìm kháng nguyên. Do đó, nếu xét nghiệm lại bằng PCR mà cho kết quả dương tính thì chắc chắn bạn đã nhiễm Covid-19.
Ảnh: Internet
Ngoài ra, trường hợp này còn có khả năng cao là người bệnh mới bị nhiễm virus trong thời gian gần (khoảng dưới 7 ngày) nên chưa kịp hình thành kháng thể trong máu. Khi vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song do tải lượng virus thấp nên kết quả test có thể không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh.
Vì vậy, đối với các trường hợp đã tiếp xúc với người mang mầm bệnh, dù kết quả test nhanh là âm tính thì vẫn nên thực hiện cách ly và tự theo dõi tại nhà. Sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, việc xét nghiệm ngay sẽ không mang lại kết quả chính xác, ít nhất phải 3-4 ngày sau hãy test.
(Theo moh.gov.vn; Suckhoedoisong.vn)
https://cafef.vn/vi-sao-test-nhanh-am-tinh-nhung-xet-nghiem-pcr-van-duong-tinh-chuyen-gia-chi-ra-nguyen-nhan-gay-sai-lech-ket-qua-khuyen-nguoi-benh-nen-can-trong-cach-ly-2022030416363355.chnTheo Ánh Lê
Nhịp sống kinh tế